Xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam sạch, an toàn, chất lượng

Ngày 21/02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm đã được hình thành.

Hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5 - 7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ. Công nghiệp chế biến nông sản giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó phần lớn là con em nông dân, với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm mùa vụ như rau quả, gây tổn thất sau thu hoạch. 

Lĩnh vực cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh, song mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp một số khâu còn thấp. Trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư vào chế biến nông sản. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu bảo đảm về số lượng, chất lượng. Giá thành sản phẩm cơ khí nông nghiệp trong nước cao. Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính, do vậy khó ứng dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành Nông nghiệp Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 đưa công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đồng thời có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, nông nghiệp Việt Nam còn tiềm năng lớn, có thể làm giàu từ nông nghiệp. Tuy vậy, lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao trong các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Bộ NN&PTNT tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị, khẩn trương hoàn thiện nội dung Chỉ thị trình ban hành.

Về vai trò của thị trường nội địa trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, đây được xem là ưu tiên hàng đầu để nhân dân có nông, thủy sản sạch, có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, cơ khí để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp bằng cách áp dụng cơ giới hóa; phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam sạch, an toàn, chất lượng, nông nghiệp hữu cơ.../.

Nguồn: bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan