Thế mạnh và sự khác biệt

1. Vị trí địa lý thuận lợi

Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi để thu hút đầu tư thông qua hợp tác và liên kết kinh tế với các tỉnh lân cận và các trung tâm kinh tế lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh). Bắc Giang đủ điều kiện hội nhập trực tiếp với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thứ nhất, Bắc Giang là tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, ở điều kiện thuận lợi là hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng đang được tập trung xây dựng đồng bộ và hiện đại. Trong vùng, Bắc Giang được xem là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa của Vùng Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Sức cạnh tranh của Bắc Giang đang được củng cố đáng kể thông qua hệ thống đường giao thông kết nối với Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị.

Thứ hai, Bắc Giang nằm dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, cụ thể Bắc Giang nằm trên hành lang cao tốc quốc lộ 1A (qua Hà Nội-Bắc Ninh-Bắc Giang-Lạng Sơn), thuộc trục không gian công nghiệp-đô thị theo hành làng kinh tế Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn, đây cũng là 1 trong 6 hành lang vận tải chính của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ngoài ra, Bắc Giang còn nằm trong hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (hành lang xuyên Á Nam Ninh-Singapore), có cơ hội tham gia sự kết nối với các trung tâm đô thị, cảng biển/hàng không trên tuyến hành lang kinh tế này.

Thứ ba, Bắc Giang nằm trong vùng kinh tế năng động, các địa phương lân cận đã có thành công trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Foxconn, CapitalLand... Đây là một lợi thế cho Bắc Giang vì các công ty đa quốc gia thường lựa chọn đặt vị trí/đầu tư dựa trên yếu tố có tích tụ kinh tế.

 Việc thu hút FDI, nhất là các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia hàng đầu thế giới là rất quan trọng vì những lợi ích về việc làm, chuyển giao công nghệ và quan trọng nhất là nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa bản địa xây dựng được chuỗi cung ứng cho các tập đoàn này.

2. Kinh tế - xã hội

Trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục đạt ở mức cao. Năm 2022, (GRDP) năm 2022 tính theo giá so sánh ước đạt 103.409,6 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm trước, dẫn dắt tốc độ tăng trưởng chủ yếu ở khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng  26,65%), cao hơn mức tăng 10,03% của cùng kỳ năm 2021 (năm tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19), khu vực dịch vụ ước tăng 7,49%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 1,97%. Nhìn chung các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2021. Quy mô nền kinh tế đjat 6,5 tỷ USD (nằm trong nhóm 13 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước).

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết ttháng 12/2022, toàn tỉnh có trên 13.337 doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động, Tính đến nay, tổng vốn thu hút đầu tư đạt 11,8 tỷ USD; trong đó, vốn FDI đạt 7.155,64 triệu USD - nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Hiện nay đang có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh với 518 dự án FDI còn hiệu lực.

3. Cơ sở hạ tầng 

- Hạ tầng giao thông

Bắc Giang có hệ thống giao thông khá phong phú (gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy). Đường bộ là hệ thống giao thông quan trọng nhất của Bắc Giang, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư xây dựng các tuyến giao thông quan trọng tỉnh đã triển khai đầu tư; nhiều dự án có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn (đoạn Hà Nội – Bắc Giang), đường tỉnh 293, 398, quốc lộ 17… Hiện nay và dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh đang và sẽ triển khai các dự án giao thông quan trọng, tạo kết nối, hướng phát triển mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang – Lạng Sơn), đường vành đai IV Hà Nội, quốc lộ 17, 37, cải tạo các tuyến đường tỉnh, đường huyện.

- Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Hiện tỉnh đã có 08 KCN đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 1.967,46ha. Thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và trung phát triển công nghiệp của vùng; đến năm 2030, Tỉnh có hơn 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp. Trong đó có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.000ha, trong đó quy hoạch mới 20 khu công nghiệp, diện tích khu công nghiệp mới và mở rộng tăng thêm gần 5.700 ha và 63 cụm công nghiệp với diện tích hơn 3.000ha. Điểm mới của phương án phát triển công nghiệp được gắn liền với phát triển với đô thị, dịch vụ. Trong số các khu công nghiệp quy hoạch có 12 khu công nghiệp đô thị dịch vụ.

- Hạ tầng điện

Bắc Giang là tỉnh có hệ thống cung cấp điện khá tốt. Hiện nay 100% xã đã được cấp bằng điện lưới quốc gia, hệ thống điện đã phủ kín đến toàn bộ các thôn, bản của tỉnh. Nguồn điện cung cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là cung cấp điện phục vụ sản xuất công nghiệp.

UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo Công ty Điện lực Bắc Giang báo cáo, đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty điện lực Miền Bắc ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng mới và cải tạo lưới điện đảm bảo cung cấp nguồn điện cho các khu, cụm công nghiệp, trong đó một số công trình trọng điểm đã hoàn thành. Việc tích cực đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống lưới điện và củng cố công tác quản lý, vận hành đã nâng cao khả năng cấp điện cho các doanh nghiệp.

- Hạ tầng nước sạch

Việc cấp, thoát nước đô thị và khu vực nông thôn thời gian qua có tiến bộ nhờ được đầu tư theo chương trình nước sạch sinh hoạt đô thị, nước sinh hoạt nông thôn và chương trình sử dụng nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. 

- Hạ tầng khác

Hạ tầng thương mại phát triển khá đa dạng với hệ thống chợ ở hầu khắp các xã; các siêu thị, trung tâm thương mại tập trung tại khu vực đô thị, khu đông dân cư.

Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo, y tế.

Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân đã được UBND tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư, bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho các công nhân tại các khu công nghiệp.

Hạ tầng khách sạn, đô thị, dịch vụ vui chơi giải trí từng bước được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và doanh nghiệp.

4. Nguồn lao động

Bắc Giang có nguồn dân số dồi dào so với các địa phương lân cận, đây là một lợi thế phục vụ phát triển kinh tế. Dân số của Bắc Giang hiện nay là gần 1,9 triệu người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động gần 1 triệu người (xếp thứ 9 cả nước); tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt khoảng 74% là nguồn bổ sung lực lượng lao động quan trọng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, Bắc Giang có cơ cấu dân số số trẻ, kỳ vọng sẽ hấp thụ tốt sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật.

Hệ thống các trường đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề tăng cả về số lượng, qui mô học sinh, chất lượng và hình thức đào tạo. Mạng lưới và quy mô các cơ sở dạy nghề tiếp tục được phát triển theo hướng xã hội hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 trường Đại học, 05 trường Cao đẳng, 06 trường Trung cấp chuyên nghiệp và 25 Trung tâm, cơ sở đào tạo nghề. Trong đó có 02 trường Cao đẳng nghề chất lượng cao là: Cao đẳng kỹ thuật Công nghiệp và Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn

5. Môi trường đầu tư & Chính sách thu hút đầu tư

Công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước có đổi mới theo hướng chủ động, quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, rõ nhiệm vụ từng tổ chức và cá nhân, gắn trách nhiệm và xếp loại người đứng đầu trong thực thi công vụ, kịp thời kiến nghị giải quyết một số vấn đề bất cập trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Việc cụ thể hóa, ban hành cơ chế, chính sách và công tác quy hoạch được chú trọng, công khai, minh bạch hơn.

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư. Do vậy. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đã có những bước cải thiện, điểm PCI cũng như xếp hạng PCI của tỉnh liên tục tăng. Những năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành "KHÁ". Năm 2021, tỉnh Bắc Giang đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI.

Ngoài ra, Tỉnh cũng áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ; đồng thời, ban hành nhiều cơ chế chính sách về khuyến khích, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiêp, cải thiện môi trường đầu tư và năng lực điều hành của chính quyền.

 

 

 

Các tin liên quan