Xây dựng hạ tầng CCN ở Bắc Giang: Gỡ nút thắt mặt bằng

(BGĐT) - Dù đủ năng lực, bỏ số vốn để đầu tư lớn song chậm có mặt bằng khiến không ít chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) chậm đưa dự án vào khai thác, kinh phí đầu tư đội lên. Tháo gỡ vướng mắc này, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương liên quan quyết liệt thực hiện các biện pháp, thúc đẩy thu hút đầu tư tại địa bàn.

Nhà đầu tư gặp khó

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh có 29 CCN do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 1.526,6 ha, tập trung tại các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa. 

Trong đó, 12 CCN mở rộng và chuyển chủ đầu tư; phần diện tích trước khi mở rộng cơ bản đã được lấp đầy, phần diện tích mở rộng đang tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với phần diện tích cũ trước mở rộng; 8 CCN cơ bản đã bồi thường GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, 9 CCN đang trong quá hoàn thiện thủ tục pháp lý và bồi thường GPMB. Tuy nhiên, việc GPMB ở một số CCN gặp khó làm chậm tiến độ thực hiện, ảnh hưởng thu hút đầu tư.

  Chủ đầu tư CCN Việt Nhật (Hiệp Hòa) chuẩn bị đất để sẵn sàng thi công khi được bàn giao mặt bằng.

Chủ đầu tư CCN Việt Nhật (Hiệp Hòa) chuẩn bị đất để sẵn sàng thi công khi được bàn giao mặt bằng.

Tìm hiểu tại CCN Yên Lư (Yên Dũng) được biết, dự án có quy mô hơn 53 ha do Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh làm chủ đầu tư, thành lập từ tháng 3/2017. Đến nay, UBND tỉnh đã giao gần 50 ha cho nhà đầu tư và còn khoảng 4 ha chưa bồi thường. Vị trí này là đường giao thông dẫn tới trạm xử lý nước thải của CCN.

CCN Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) có diện tích 15,2 ha. Chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; lập dự án đầu tư; lập đánh giá tác động môi trường; thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy, chuyển đổi đất lúa, hoàn thiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường GPMB. 

Hiện đã bồi thường, chi trả cho người dân có đất thu hồi được khoảng 6,3/9 ha; đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh để được giao đất; di dời quy tập được 132/150 ngôi mộ. Vậy nhưng, một số hộ đã tự ý san lấp đất nông nghiệp để làm bãi để xe ô tô (diện tích khoảng hơn 4.000 m2) ảnh hưởng đến công tác bồi thường GPMB.

Cũng khó khăn về GPMB, ông Hà Ngọc Hoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang - chủ đầu tư CCN Việt Nhật (Hiệp Hòa) cho biết, đến nay Công ty đã bồi thường được 29,97 ha/50 ha, còn khoảng 20 ha chưa chi trả. Đơn vị đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng nhưng chưa thể thi công tiếp vì vướng nhiều hộ chưa nhất trí phương án bồi thường đất, yêu cầu giá cao hơn quy định.

Kiểm từng việc, rõ trách nhiệm

Trao đổi với một số chủ đầu tư CCN trên địa bàn cũng cho thấy, khó khăn nhất trong quá trình triển khai là công tác bồi thường GPMB. Nguyên nhân chính là do người dân chưa đồng thuận. Cùng đó, cơ quan chuyên môn chậm kiểm đếm, quy chủ đất hoặc đất có tranh chấp, đất đã cho, bán qua nhiều chủ hoặc mua bán qua hợp đồng chuyển nhượng hoặc giấy viết tay... khiến việc xác định nguồn gốc đất kéo dài, mất nhiều công sức. Ngoài ra, công tác bố trí nghĩa trang tập trung cho nhân dân địa phương di chuyển mộ chậm; một số CCN còn nhiều mộ vô chủ chưa được kiểm đếm. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng quản lý CCN (Sở Công Thương) thông tin: “Trong quá trình GPMB cho thấy, ngoài nguyên nhân trên còn có một bộ phận hộ dân đã nhận tiền nhưng chưa thu dọn tài sản, vẫn chiếm lĩnh mặt bằng. Khi thu hồi đất, người dân không giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chỉnh lý. Khó khăn nữa là nhân lực làm nhiệm vụ bồi thường GPMB của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và CCN của một số huyện thiếu song lại phải thực hiện đồng thời nhiều dự án trên địa bàn cũng khiến công tác GPMB có những hạn chế nhất định”.

Để gỡ vướng về GPMB, chính quyền một số địa phương đã tích cực vào cuộc. Ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: “Đối với các CCN, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp với chủ đầu tư GPMB. Riêng CCN Yên Lư, huyện đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế những trường hợp còn lại, dự kiến hoàn thành vào đầu tháng 7. Tuyến đường gom kết nối vào CCN này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang thiết kế, khoảng đầu tháng 6 sẽ khởi công”.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa khẳng định, địa phương nỗ lực hết sức trong GPMB, chuẩn bị cưỡng chế một số hộ liên quan đến dự án CCN Việt Nhật vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, ông Khanh cũng khuyến cáo các chủ đầu tư khi được phê duyệt cần công khai ngay quy hoạch chi tiết để người dân nắm được, tránh tình trạng người dân khiếu kiện do không nắm được thông tin về dự án.

Bắc Giang xác định công nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế, do đó ngoài quan tâm các khu công nghiệp thì CCN cũng được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các biện pháp để sớm đưa dự án hạ tầng CCN vào khai thác. Theo đó, Sở Công Thương tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN để làm căn cứ kiểm điểm tiến độ; nâng cao vai trò, quy rõ trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về CCN của các cơ quan, địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Bài, ảnh: Trịnh Lan).

Các tin liên quan