Trái ngọt trên đất cằn

(BGĐT) - Diện mạo xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) những năm gần đây không ngừng đổi thay. Hầu hết những tuyến đường nối các thôn, xóm đã bê tông hóa, các công trình trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... được xây dựng khang trang; đời sống nhân dân từng bước nâng lên. Đó là thành quả từ sự năng động vươn lên của chính quyền, nhân dân nơi đây trong hành trình giảm nghèo.

Con đường mở lối thoát nghèo

Tân Sơn từng là một trong 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% của huyện Lục Ngạn. Khoảng 5 năm trước, từ trung tâm huyện Lục Ngạn về xã Tân Sơn mất chừng hai giờ đi xe máy bởi nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, vào mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi bặm. Việc đi lại khó khăn, lại thêm trở ngại về điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, sản xuất lạc hậu khiến bài toán giảm nghèo của xã khó tìm lời giải. 

Nhiều hộ dân ở Tân Sơn chuyển đổi hướng sản xuất, thu lãi cao từ nuôi ngựa.

Nhiều hộ dân ở Tân Sơn chuyển đổi hướng sản xuất, thu lãi cao từ nuôi ngựa.

Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm hơn một nửa. Với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, diện mạo xã Tân Sơn hôm nay đã khác.

Chuyển biến dễ thấy nhất ở Tân Sơn là hạ tầng giao thông nông thôn. Trước đó, để việc đi lại, làm ăn của bà con thuận lợi, Đảng ủy, UBND xã xác định nâng cấp hệ thống đường giao thông là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo. 

Từ năm 2015 đến nay, từ các nguồn hỗ trợ như: Chương trình 135, vốn xây dựng nông thôn mới, xã tập trung cao cứng hóa các tuyến đường. 

Ông Nông Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khi bắt đầu triển khai, lãnh đạo xã lo khó hoàn thành mục tiêu vì với 60% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Nùng), đời sống còn khó khăn thì việc vận động đóng góp kinh phí đối ứng kết quả sẽ không cao. 

Đáng mừng là do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thi công đến đâu, các hộ dân đều tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình đến đó. Hàng trăm hộ dân còn đóng góp kinh phí để hoàn thiện những con đường. 

Đến nay, tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn của xã đã được cứng hóa hơn 80%. Sang năm mới, xã phấn đấu hoàn thành số còn lại, chủ yếu tập trung ở hai thôn đặc biệt khó khăn là Khuôn Kén và Bắc Hoa.

Ước mong bao năm của người dân Tân Sơn là có đường tốt để đi lại thuận tiện nay đã thành hiện thực. Bà con dễ dàng chăm sóc cây trồng, vận chuyển sản phẩm nông, lâm nghiệp đi tiêu thụ, việc học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở thôn, xã lân cận cũng thuận lợi hơn. Và khi có vốn, kiến thức canh tác thì con đường thoát nghèo đã ngắn hơn. 

Hiện ở Tân Sơn, các công trình như nhà văn hóa, trạm y tế được xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân. Các trường mầm non, tiểu học, THCS đều có lớp học cắm thôn, bản nên tình trạng trẻ em bỏ học không còn.

Nhiều mô hình sản xuất mới

Chúng tôi cùng anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã đến thăm một số mô hình kinh tế điển hình của người dân. Trên vùng đồi núi Tân Sơn có đến hàng trăm hộ chăn nuôi ngựa, dê, trồng cây ăn quả. Là thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ trâu, bò, ngựa cỏ vùng cao Tân Sơn, hiện anh Trần Văn Thức (SN 1985), thôn Khuôn Kén đang nuôi hơn 30 con ngựa bạch và bò. Địa hình đồi núi, khí hậu phù hợp với nuôi các loài động vật ăn cỏ, lại được cán bộ khuyến nông xã vận động, anh Thức và 6 thành viên khác mạnh dạn tham gia. 

Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 20,5%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra, nằm trong số những xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất. Thu nhập bình quân đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.

Ban đầu, ai cũng lúng túng vì chưa có kiến thức chăm sóc, phòng dịch bệnh nhưng được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện bố trí diện tích đất trồng cỏ nên hiệu quả rõ rệt. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Thức và các thành viên HTX thu lãi gần 100 triệu đồng/hộ từ bán ngựa giống và ngựa thịt.

Trước đây, người dân Tân Sơn chỉ quen trồng rừng rồi trồng vải thiều nhưng nay, từ sự cần cù, năng động, họ đã lấp đầy những triền đồi khô cằn bằng màu xanh của cam, bưởi, ổi, táo. Hiện toàn xã có khoảng 200 ha cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. 

Anh Nông Văn Long (SN 1981), thôn Hả là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi vườn đồi sang trồng 300 gốc bưởi. Thu nhập từ làm vườn đã giúp gia đình anh thoát nghèo và có điều kiện sửa sang nhà cửa, lo cho các con ăn học.

Có mặt ở Tân Sơn vào những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ hơn về những “trái ngọt” từ nỗ lực, quyết tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của cán bộ, nhân dân nơi đây. 

Từ thành quả ấy, năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 20,5%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra đến năm 2020, nằm trong số những xã đặc biệt khó khăn có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất của huyện Lục Ngạn. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt gần 30 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước. 

Từ thành quả đã đạt được, trong những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền nơi đây tiếp tục vận động, tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình thủy lợi để chủ động tưới tiêu; khai thác thế mạnh, hỗ trợ người dân xây dựng mô hình kinh tế phù hợp nhằm tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo.

Nguồn Báo Bắc Giang

Các tin liên quan