Sản xuất nông nghiệp trước tác động của dịch COVID- 19: Kỳ II- Mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu

(BGĐT) - Bắc Giang chưa bước vào thời kỳ cao điểm chăm sóc cây trồng cũng như thu hoạch nông sản xuất khẩu nhưng sản xuất nông nghiệp đã bước đầu bị tác động gián tiếp bởi “cơn bão” Covid-19. Để hạn chế thiệt hại rất cần có những  giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. 

Nông sản chủ lực phát huy lợi thế

Qua các dẫn chứng và phân tích ở phần trước, có thể thấy, dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vì lo ngại dịch Covid -19 tiếp tục xâm nhập vào nước ta nên Chính phủ đã hạn chế xuất, nhập khẩu với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính điều này đã giúp chúng ta kiểm soát, hạn chế lượng lớn hàng nhập lậu như: Rau, củ, quả… nhập về từ nước bạn. Do đó nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh gồm rau xanh, thịt lợn đã tăng giá ở mức cao.

Dây chuyền chế biến dưa chuột bao tử xuất khẩu của Công ty G.O.C.

Dây chuyền chế biến dưa chuột bao tử xuất khẩu của Công ty G.O.C.

Nếu như những năm trước, vào dịp giêng, hai, rau xanh thường rất rẻ. Trái lại, năm nay, từ sau Tết đến nay giá rau luôn đạt mức cao. Đơn cử như rau cần Hoàng Lương (Hiệp Hòa) giá tăng gấp 10 lần. Bình quân mỗi sào cần hiện thu lãi khoảng 25 triệu đồng. Ở vùng chuyên canh rau thuộc các xã Cảnh Thụy, Tiến Dũng (Yên Dũng); Thái Đào (Lạng Giang), Song Mai (TP Bắc Giang); Chu Điện, Bảo Đài (Lục Nam), nông dân thu rau đến đâu, thương lái mua hết đến đó với giá cao. Bà Nguyễn Thị Bẩy, xã Chu Điện- chuyên thu gom rau cung cấp cho thị trường Thái Nguyên, Quảng Ninh nói: “Dạo này nhiều khách đặt song tôi không đủ hàng cung cấp. Để giữ mối làm ăn, tôi phải chuyển cho các bạn buôn một phần, bởi rau khan quá”.

Hiện khoai tây cũng có giá khá cao, từ 15-20 nghìn đồng/kg. Một số người dân ở xã Cảnh Thụy đã năng động tích trữ khoai thương phẩm trong kho lạnh. Do chênh lệch giá, nhiều hộ thu bộn tiền. Anh Nguyễn Văn Tùng, chủ kho lạnh tại xã Cảnh Thụy cho hay: “Vụ đông vừa qua, khoai tây không được giá như năm trước nên sau khi thu hoạch tôi trữ trong kho lạnh. Rất may, giờ đây khoai tăng giá nên với hơn 200 tấn, tôi thu thêm gần một tỷ đồng”.

Cùng với sản phẩm trồng trọt, gà thịt các loại của Bắc Giang vẫn tiêu thụ ổn định. Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Yên Thế cho biết, vài tháng nay, giá gà trong huyện dao động từ 57-90 nghìn đồng/kg (tùy loại); trừ chi phí, người nuôi lãi khoảng 15-20 triệu đồng/một nghìn con.

Củng cố chất lượng hàng hóa, khơi thông thị trường nội địa

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm giảm thiểu thiệt hại về sản xuất, một số tổ chức, cá nhân đã chủ động thực hiện các giải pháp. Về phía người chăn nuôi vịt đã tạm ngừng vào đàn mới. DN chế biến nông sản đang tìm nguồn và đơn hàng mới ngoài đối tác Trung Quốc. 

dịch viêm đường hô cấp, Covid-19, sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang, chăn nuôi

Chúng ta phải điều chỉnh từ sản xuất đến thị trường và chất lượng hàng nông sản. Hàng nông sản phải đi từ gốc, đó là sản xuất an toàn, điều chỉnh quy mô cho phù hợp với thị trường, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay”.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc

Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đó là trong ngắn hạn, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài thì kinh tế nông nghiệp của Bắc Giang sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Viễn cảnh, nếu dịch Covid-19 tiếp diễn tới thời điểm thu hoạch vải thiều thì chắc chắn Bắc Giang sẽ khó tiêu thụ do thương nhân Trung Quốc không thể sang thu mua. Trong khi dự báo năm nay vải sẽ được mùa. Thực tế, từ nhiều năm qua, lượng vải thiều của Bắc Giang xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành đang triển khai tổ chức lại sản xuất, không để nguồn cung quá lớn. Các địa phương cần giảm diện tích, sản lượng các loại hàng có thể xuất khẩu sang Trung Quốc như: Dưa hấu, sắn, gia cầm… 

Theo đó, người chăn nuôi không nên vào đàn ồ ạt bởi ngoài việc ảnh hưởng tiêu thụ do dịch Covid-19 thì dịch cúm gia cầm có nguy cơ cao xuất hiện tại tỉnh. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần phối hợp, tăng cường kiểm soát lưu thông thị trường, không để gà giống, gà thương phẩm mang mầm bệnh vào (kể cả đi qua) địa bàn Bắc Giang.

Thuốc bảo vệ thực vật của Công ty TNHH Việt Thắng được đóng thùng trước khi xuất bán.

Thuốc bảo vệ thực vật của Công ty TNHH Việt Thắng được đóng thùng trước khi xuất bán.

Với điều kiện hiện nay, tất cả hàng nông sản của Bắc Giang sẽ tập trung cao cho thị trường nội địa thông qua các kênh phân phối. Bắc Giang có thuận lợi là nằm sát các TP đông dân như: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, có nhu cầu thực phẩm lớn. Nhằm tạo được chỗ đứng trong thị trường nội địa, bắt buộc hàng nông sản trong tỉnh phải bảo đảm về chất lượng. Năm nay sẽ là năm trọng tâm nâng cao chất lượng nông sản.

Để đạt mục tiêu đặt ra, ngành nông nghiệp sẽ huy động nguồn lực, tập trung chỉ đạo, tập huấn, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) cho nông sản. Xây dựng kế hoạch tổng thể về nâng cao chất lượng nông sản của Bắc Giang; khâu nối các chi cục trực thuộc, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện nhằm tạo bước đột phá về chất lượng ATTP. Không để vùng trọng điểm sản xuất nông sản hàng hóa của cả nước lại chỉ có 42% sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về xuất khẩu vải thiều, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan mở rộng đến các thị trường mới. Cụ thể, Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nếu vải thiều của Bắc Giang vào được thị trường Nhật Bản thì đồng nghĩa cơ hội tiếp cận các thị trường khác sẽ được mở ra. Cùng đó, Bắc Giang cần tập trung cho tiêu thụ vải tại thị trường trong nước.

Hiện ngành nông nghiệp vẫn chỉ đạo sản xuất đồng đều, tránh hẫng vụ, đặc biệt là trong chăn nuôi gia cầm vì Bắc Giang là vùng sản xuất gà lớn, cung cấp cho thị trường cả nước, đồng thời phòng, chống dịch bệnh tốt để tránh bị thiệt hại kép.

Trên tinh thần chủ động, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh ở trong và ngoài nước. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tìm các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ vải thiều cho năm 2020 và những năm tiếp theo.

Cụ thể, về tiêu thụ tại thị trường trong nước: Mời gọi, kết nối các hệ thống phân phối, bán buôn và bán lẻ, hệ thống kinh doanh các cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, các thương nhân tiêu thụ nông sản… tham gia tiêu thụ vải thiều nói riêng và các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang nói chung; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa trong tình hình hiện nay, hướng tới cơ cấu thị trường hợp lý, đa dạng giúp quả vải có được thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững.

Về xuất khẩu, tiếp tục hỗ trợ các hoạt động dự báo, xúc tiến tiêu thụ tại thị trường truyền thống (Trung Quốc) và các thị trường tiềm năng. Mời gọi, kết nối các tập đoàn phân phối của thế giới (Aeon, Walmart, Mega Market, Lotte, Emart, Central Group,…) tham gia tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang; hỗ trợ khảo sát, tìm kiếm thị trường, giúp quảng bá sản phẩm vải thiều và thông tin về cơ chế chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn (bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc,…) để xuất khẩu quả vải sang các thị trường khó tính (Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc,…), thị trường tiềm năng (Nga, Trung Đông, Ấn Độ, Myanma…).

Ngoài những giải pháp trên, để giúp các hộ gia đình, DN vượt khó cần thêm một số giải pháp khác. Về vốn, ngành ngân hàng cần triển khai ngay việc hỗ trợ lãi suất, giảm nợ, giãn nợ cho hộ sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại do tác động của dịch Covid-19. Ngành thuế cho hoãn hoặc gia hạn nộp thuế. Bảo hiểm xã hội quan tâm xem xét cho chậm nộp các loại bảo hiểm để DN có vốn tái tạo sản xuất, kinh doanh, trả lương người lao động.

Chính quyền, ngành chức năng tổ chức gặp mặt, lắng nghe kiến nghị đề xuất của DN để tháo gỡ khó khăn; thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý thị trường bảo đảm chất lượng vật tư phân bón cung ứng cho nông dân.

Thực tế, dịch Covid-19 khiến kinh tế nông nghiệp của Bắc Giang gặp khó, chẳng khác gì “cơn bão” đang ập đến. Hy vọng từ trong khó khăn đó, chúng ta lại có cơ hội để cơ cấu lại sản xuất, củng cố chất lượng hàng nông sản.

Theo: Nhóm PVKT - Báo Bắc Giang 

Các tin liên quan