Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, chủ rừng và người dân

(BGĐT) - Từ năm 2018 đến nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm lâm luật giảm nhiều so với trước. Ý thức bảo vệ rừng của chính quyền các cấp, chủ rừng và người dân được nâng lên.

Những con số biết nói

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Phong Vân (Lục Ngạn) phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân bản Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn).

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Phong Vân (Lục Ngạn) phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân bản Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn).

Bắc Giang có hơn 58 nghìn ha rừng tự nhiên. Trong đó, huyện Sơn Động có hơn 34,9 nghìn ha. Trước năm 2017, Sơn Động là điểm nóng về khai thác, phát, phá, lấn chiếm rừng trái phép khiến ngành chức năng và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo vệ. 

Nay tình hình đã khác. Chứng kiến những cánh rừng lim xanh cây đã cao hàng chục mét, có những cây to hai người ôm tại thôn Đồng Chu, xã Yên Định hay rừng lim xanh, rừng hỗn giao đang vươn cành sinh sôi ở thôn Nam Bồng, xã Tuấn Đạo… mới thấy hiệu quả của việc quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên nơi đây.

Ông Nguyễn Như Dương, Bí thư Chi bộ thôn Nam Bồng cho biết, thôn có 80 hộ dân. Hiện mỗi hộ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ trung bình 8 ha rừng tự nhiên. “Từ khi được chính quyền xã, cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền nội dung Nghị quyết 249 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ, phát triển rừng, mấy năm nay người dân trong thôn không đi phát, phá, lấn chiếm rừng nữa”, ông Dương nói.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động Hoàng Văn Nguyên thông tin, khi Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Nghị quyết 249) chưa triển khai, mỗi năm đơn vị phát hiện, xử lý hàng trăm vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. 

Đơn cử năm 2017, Hạt đã xử lý vi phạm hành chính 208 vụ. Sau khi thực hiện Nghị quyết, năm 2018, Sơn Động chỉ xảy ra 57 vụ vi phạm lâm luật. Năm 2019, số vụ vi phạm giảm còn 45. Đặc biệt, vi phạm về chặt phá rừng tự nhiên trái phép chỉ còn 2 vụ, diện tích thiệt hại 0,22 ha. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện xảy ra 18 vụ vi phạm, không gây thiệt hại về rừng.

Cùng với Sơn Động, tại các địa phương như: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Yên Thế…, số vụ chặt, phá, lấn chiến rừng trái phép cũng giảm xuống mức thấp so với trước. Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 278 vụ vi phạm lâm luật, giảm 823 vụ so với giai đoạn 2015-2017, khối lượng gỗ vi phạm giảm hơn 366m3; khởi tố 7 vụ án và 7 bị can.

Mặc dù cháy rừng còn xảy ra nhưng các vụ cháy đều sớm được phát hiện; lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời nên giảm thiểu thiệt hại. 3 năm gần đây, Bắc Giang xảy ra 23 vụ cháy rừng, giảm 30 vụ so với giai đoạn 2015-2017, diện tích rừng thiệt hại giảm 45,1%.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp

Có được kết quả trên là do ngay sau khi ban hành Nghị quyết 249, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc quán triệt và đề ra kế hoạch thực hiện. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 31/1/2018, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phân công từng cơ quan, đơn vị thực hiện với lộ trình, thời gian hoàn thành cụ thể. Trên cơ sở Nghị quyết, Kế hoạch của tỉnh, UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành liên quan đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện phù hợp với từng địa phương, đơn vị.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã tổ chức hội nghị tuyên truyền cho trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã, các chủ rừng về nội dung Nghị quyết và Kế hoạch của tỉnh. 

Chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã có rừng tự nhiên tổ chức quán triệt cho Bí thư chi bộ, Trưởng các thôn, bản. Qua đó, các ngành, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã nâng cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương.

Ngoài ra, các địa phương có rừng trong tỉnh còn lồng ghép tuyên truyền cho Bí thư, Chủ tịch UBND cấp xã, các chủ rừng, người dân thông qua sinh hoạt của các chi, đảng bộ cơ sở. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với chính quyền các cấp, cơ quan thông tin từ tỉnh đến cơ sở tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết tới người dân, doanh nghiệp.

Ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đánh giá, Nghị quyết 249 chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, ở những địa phương có rừng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã và các cơ quan, tổ chức liên quan đưa nội dung kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp vào chương trình công tác tháng, quý. 

Hằng năm gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng khi xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua đối với các ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã và cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức. Xử lý nghiêm tập thể và người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền hoặc địa bàn quản lý. Kết quả có một cán bộ UBND xã Phong Minh (Lục Ngạn) bị xử lý kỷ luật cảnh cáo về Đảng, cách chức Phó Chủ tịch UBND xã do hành vi phá rừng tự nhiên. 

Một Giám đốc công ty lâm nghiệp bị cách chức; một Trạm trưởng trạm kiểm lâm bị kỷ luật với hình thức khiển trách do để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn quản lý. Một số cán bộ, công chức, viên chức bị kiểm điểm, phê bình, hạ bậc thi đua, xếp loại hằng năm…

Để nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng và người dân trong bảo vệ rừng, các địa phương đã tổ chức ký hơn 5,8 nghìn bản cam kết bảo vệ rừng và PCCCR cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sống gần rừng, ven rừng. In và cấp phát hơn 2,1 nghìn tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ, phát triển và PCCCR… 

 

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã bố trí hơn 37,7 tỷ đồng chi khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, tăng hơn 19,1 tỷ đồng (203%) so với giai đoạn 2015-2017. Việc khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng tự nhiên…

 

Có 7 chủ rừng lớn thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng với tổng số 144 người. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa ba lực lượng quân đội - công an - kiểm lâm theo quy định của Chính phủ trong việc bảo vệ và phòng, chống cháy rừng được củng cố và phát huy.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh, MTTQ và các đoàn thể; sự tham mưu chỉ đạo, quản lý và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời của các sở, ban, ngành liên quan nên rừng tự nhiên và rừng trồng của Bắc Giang ngày càng được bảo vệ tốt.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Thế Đại).

Các tin liên quan