Chủ động khai thác có hiệu quả CTPPP

(Chinhphu.vn) – Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang tới những cơ hội lợi nhuận có thể đong đếm được về thương mại, đầu tư với các thị trường mới đầy tiềm năng. Các DN Việt không nên coi các hàng rào kỹ thuật trong Hiệp định là rào cản mà cần dựa vào các yếu tố này để nâng cao sản phẩm của Việt Nam.

Ảnh minh hoạ.

Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo “Chủ động khai thác có hiệu quả CTPPP” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 2/5.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, CPTPP là cơ hội đặc biệt để cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường từ CPTPP, để cải thiện một bước môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, giải phóng sức sáng tạo và mở ra cơ hội lợi nhuận cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN), hàng triệu hộ kinh doanh cũng như cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động và cả nền kinh tế.

Nhìn gần hơn, CPTPP mang tới những cơ hội lợi nhuận có thể đong đếm được về thương mại, đầu tư với các thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ như Canada, Mexico; hay cơ hội làm sâu sắc thêm mối liên hệ có tính cộng hưởng của nền kinh tế chúng ta với các thị trường mà chúng ta đã có FTA trước đây như Nhật Bản, Úc, New Zealand...

Với việc 6 thị trường xuất khẩu hấp dẫn trong CPTPP ngay lúc này đây đã loại bỏ thuế từ 78-95% các dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam, cơ hội thuế quan này bản thân nó đã tạo cho doanh nghiệp xuất khẩu lợi thế đặc biệt trong cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh đến từ các nước khác chưa có FTA với các đối tác CPTPP trên các thị trường này…

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, tất cả cũng mới là cơ hội. Bài học từ việc thực hiện 10 FTA đang có những năm qua cho thấy Việt Nam có nhiều lý do để lo lắng. CPTPP là hiệp định thế hệ mới, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lớn hơn và điều kiện để hiện thực hoá càng không đơn giản.

Ông Vũ Tiến Lộc băn khoăn, với CPTPP, liệu các ngành sản xuất có thể bứt phá mạnh mẽ và để hiện thực hóa ngoạn mục các cơ hội mới. Trong đó, làm sao để nâng cao khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan; sau đó là khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (TBT-SPS) để thực sự bước chân vào các thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhưng rất kỹ tính.

“Với các tiêu chuẩn về hóa chất, về nguồn gốc hợp pháp, về dư lượng kháng sinh, về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, thậm chí đơn giản là yêu cầu về cách thức ghi nhãn, đóng bao bì…của các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp không có lựa chọn, hoặc là đáp ứng đúng và đủ, hoặc là không thể vào thị trường – không có thương lượng, cũng không thể thay đổi, chỉ có thể tuân thủ”, ông Vũ Tiến Lộc lưu ý.

Đại diện ngành chịu tác động lớn của CPTPP, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, quy hoạch ngành này hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho rằng vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất trong hành động, hiệp định sẽ không mang lại lợi ích. 

Hơn nữa, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm, đây là vấn đề sống còn để ngành phát triển nhưng thực tế chưa có định hướng để phát triển nguồn nhân lực ngành này.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra các kiến nghị. Trước tiên là cần xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040. Cần phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ tương xứng với ngành công nghiệp dệt may, da giày. Cuối cùng cần sự minh bạch về pháp lý trong quản lý, đặc biệt ở các địa phương.

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết CPTPP đưa ra quy tắc xuất xứ chặt nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương nêu ra vấn đề, trong thời gian dài Việt Nam vẫn phải nhập khẩu sợi, vải. Ngành dệt may xuất khẩu nhiều nhưng chưa đủ lớn đầu tư vào dệt.

“Nếu đầu tư như thế mà không có đầu ra, không bán được vải thì sẽ phá sản, nên đây là khó khăn lớn. Chúng ta cần thị trường lớn để các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng", ông Trần Quốc Khánh nói.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, thị trường lớn sắp tới của ngành là Liên minh châu Âu. Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những sự đầu tư lớn.

Chia sẻ về việc doanh nghiệp đang và cần phải làm gì để nắm bắt tốt các cơ hội từ CPTPP, ông Trần Quang Hảo, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Hàng Thể Thao MXP cho biết phương pháp kinh doanh hiện đại rất quan trọng.

Công ty có khả năng thực hiện đầy đủ từ khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tìm kiếm, lựa chọn và cung cấp vật tư... cho đến khâu trực tiếp thực hiện các đơn hàng sản xuất. 

Công ty đã chuẩn bị nguồn vốn, nguồn nhân lực nghiên cứu cũng như sản xuất, đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống quản trị tinh gọn, hiệu quả. Đồng thời, công ty luôn xây dựng chuẩn mực, đáp ứng chất lượng, an toàn, kiểm định môi trường…

Nhìn chung các nhà quản lý, đại diện hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, không nên coi các hàng rào kỹ thuật trong Hiệp định là rào cản mà cần dựa vào các yếu tố này để nâng cao sản phẩm của Việt Nam.

 

Theo: Anh Minh (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin liên quan