Lục Ngạn: Tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt 95%

(BGĐT)- Theo UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay tỷ lệ vải thiều ra hoa của huyện (vải sớm và chính vụ) đạt khoảng 95%.

Vườn vải chính vụ hơn 100 cây của gia đình ông Thân Văn Toàn, thôn Mịn To, xã Trù Hựu (ảnh) năm ngoái chỉ ra hoa một nửa nhưng năm nay tất cả đều trổ bông.

Vườn vải chính vụ hơn 100 cây của gia đình ông Thân Văn Toàn, thôn Mịn To, xã Trù Hựu (ảnh) năm ngoái chỉ ra hoa một nửa nhưng năm nay tất cả đều trổ bông.

Năm 2021, tổng diện tích trồng vải của Lục Ngạn đạt 15.450 ha, tăng 160 ha so năm ngoái. Trong đó, vải chín sớm 2.000 ha, còn lại là vải chính vụ. Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 11.700 ha.

Đến nay, tỷ lệ vải thiều hoa đạt khoảng 95%, tương đương so với mùa vụ năm 2018 (năm 2019, vải sớm tỷ lệ ra hoa 75-80%, vải chính vụ 60-70%; năm 2020, vải sớm 90-95%, vải chính vụ 45-50%). Nguyên nhân là do thời tiết có nhiều ngày trời lạnh sâu đã tạo điều kiện cho cây phân hóa mầm hoa cộng với cây được chăm sóc tốt, sâu bệnh ít đã giúp vải ra hoa đạt tỷ lệ cao.

Để hoa nở có tỷ lệ đậu quả cao, hàng tuần, cơ quan chuyên môn của huyện có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân thường xuyên thăm vườn, kiểm tra, theo dõi để cung cấp đủ nước tưới, phân bón cho cây trồng. Đồng thời áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại. 

Giai đoạn này người dân tập trung phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại chính: Sâu đo, rệp muội, sâu róm, bọ xít, nhện lông nhung, bệnh sương mai, bệnh thán thư… 

Người dân trong huyện tích cực chăm sóc vải thiều thời kỳ ra hoa để tỷ lệ đậu quả cao.

Người dân trong huyện tích cực chăm sóc vải thiều thời kỳ ra hoa để tỷ lệ đậu quả cao.

Các hộ cần cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh, cành trong tán để không còn chỗ trú ngụ cho sâu hại lại thuận lợi khi phun và phòng trừ sâu, bệnh; hạn chế hiện tượng ra hoa kẹp lộc, khống chế chiều dài của chùm hoa, tăng tỷ lệ đậu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết, dự báo năm nay vải thiều sẽ được mùa nên chính quyền địa phương đang dự trù phương án, kế hoạch tiêu thụ vải. Trong đó tập trung quảng bá theo hình thức trực tuyến. Huyện đang xin phép cơ quan chức năng cấp thêm mã số vùng trồng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vải thiều của phía Nhật Bản trong năm nay.

Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và bà con nông dân chăm sóc tốt các trà vải thiều đã nở hoa, bảo đảm chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường trong nước.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Tin, ảnh: Đại La).

Các tin liên quan