Lục Ngạn: Tháo gỡ vướng mắc trong phát triển đô thị

(BGĐT) - Quỹ đất lớn, một bộ phận người dân có mức sống, thu nhập cao là thế mạnh để huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) phát triển đô thị. Tuy vậy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án liên quan còn nhiều vướng mắc, là trở ngại đối với việc xây dựng các khu dân cư, đô thị mới trên địa bàn.

Thiếu mặt bằng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm trên địa bàn, những năm qua, UBND huyện Lục Ngạn đã chú trọng thu hút đầu tư các dự án, phát triển đô thị, dân cư trên địa bàn. Tuy vậy, điểm khó khăn nhất là công tác GPMB. 

Vườn cây của gia đình ông Doãn Văn Mừng, thôn Tư Một, xã Quý Sơn nằm trong diện giải tỏa thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cụm dân cư liên cơ quan huyện Lục Ngạn.

Vườn cây của gia đình ông Doãn Văn Mừng, thôn Tư Một, xã Quý Sơn nằm trong diện giải tỏa thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cụm dân cư liên cơ quan huyện Lục Ngạn.

Đơn cử, từ tháng 3-2018, UBND huyện triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư bờ hồ cấp 3 thị trấn Chũ với diện tích 1,3 ha. 

Dự án có hơn 1 nghìn m vuông đất thổ cư, hai ngôi nhà cấp 4 còn lại là đất nông nghiệp. Đến nay vẫn còn 8 hộ chưa bàn giao hơn 0,7 ha đất khiến dự án chậm tiến độ gần một năm nay. 

Nguyên nhân là do các hộ còn vướng mắc, kiến nghị về giá bồi thường đất ở, đất trồng cây lâu năm và đơn giá hỗ trợ cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất.

Từ cuối năm 2018, UBND huyện Lục Ngạn triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư liên cơ quan huyện, quy mô 4,3 ha. Đến nay còn 21 hộ với khoảng 2 ha chưa đồng thuận phương án bồi thường. 

Ông Doãn Văn Mừng, thôn Tư Một, xã Quý Sơn chia sẻ, gia đình có gần 6 nghìn m vuông đất và hơn 500 cây bưởi Diễn, bưởi da xanh, vải thiều và các cây ăn quả khác cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm. 

Ngoài ra, hơn 4 năm nay, gia đình ông thường xuyên thu mua, vận chuyển đất màu về san lấp, trồng cây, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng nhưng không được xem xét đền bù, hỗ trợ nên gia đình chưa bàn giao mặt bằng.Phương án thu hồi đất được duyệt của gia đình chỉ được định giá mỗi cây trồng từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng tùy độ tuổi, đường kính. 

Theo UBND huyện Lục Ngạn, từ năm 2018 đến nay, huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng triển khai 5 dự án phát triển đô thị, cụm dân cư. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ vì gặp khó khăn trong GPMB. Đa phần các hộ còn thắc mắc, kiến nghị về đơn giá bồi thường đất, hỗ trợ cây trồng và công san lấp, tôn tạo ruộng, ao thành vườn cây ăn quả.

Theo ông Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, "để tháo gỡ khó khăn trong việc mời gọi nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển đô thị trên địa bàn trong thời gian tới, UBND huyện sẽ bồi thường, tạo mặt bằng sạch trước khi đấu giá, giao dự án cho doanh nghiệp thực hiện”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, trước khi thực hiện các dự án, UBND huyện đều thành lập Hội đồng GPMB và Hội đồng xác định giá đất trên cơ sở sát giá thị trường ở cùng thời điểm. 

Thế nhưng hầu hết diện tích đất trồng lúa đều được người dân tự ý chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho giá trị lớn nên nhiều hộ chưa muốn bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. 

Do công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn trước còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều hộ được cấp hàng nghìn m vuông đất ở, đẩy giá trị bồi thường, GPMB, tái định cư lên cao, khó mời gọi nhà đầu tư triển khai dự án phát triển đô thị.

Thực tế cho thấy, việc bố trí dân cư tại Lục Ngạn đang bộc lộ bất cập, nhà ở được xây dựng khắp nơi trong vùng lõi trồng cây ăn quả. 

UBND huyện Lục Ngạn đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, toàn huyện sẽ hoàn thành xây dựng 6 dự án khu dân cư mới tại các xã Hồng Giang, Giáp Sơn, Kiên Lao và thị trấn Chũ. 

Đồng thời, thu hút đầu tư, phát triển đô thị tại khu vực Chợ Nông sản và trung tâm thị trấn Chũ với tổng diện tích khoảng 33 ha. 

Huyện cùng Tập đoàn FLC hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng bất động sản gắn với phát triển du lịch tại hồ Khuôn Thần. Thu hút nguồn vốn xã hội hóa, triển khai một số dự án theo hình thức đối tác công tư, xây dựng - chuyển giao... 

Mục tiêu là xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút người dân di chuyển chỗ ở từ các vườn đồi về định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định, huyện sẽ thanh tra toàn diện công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sự dụng đất ở giai đoạn trước, kiên quyết điều chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng cấp sai hạn mức theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân. 

UBND huyện giao các đồng chí lãnh đạo huyện trực tiếp phụ trách, chỉ đạo đẩy nhanh công tác GPMB; tham mưu với Huyện ủy thành lập các tổ công tác liên ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với phương án bồi thường. 

Những hộ cố tình lợi dụng tình hình để chống đối, có những đòi hỏi vô lý làm chậm tiến độ dự án, huyện sẽ kiên quyết chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

Theo: Nguyễn Văn Thương (Báo Bắc Giang Điện Tử)

      Các tin liên quan