Khẩn trương xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(BGĐT) - Ngày 28/3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức tiếp tục ngày làm việc thứ 2.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu T.Ư có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Tại tỉnh Bắc Giang, Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 232 điểm cầu của tỉnh, huyện, xã với sự tham dự của hơn 55.950 cán bộ, đảng viên. Dự tại điểm cầu Trung tâm hội nghị tỉnh có các đồng chí: Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, Ủy viên BTV các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh...

Cán bộ, đảng viên dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Cán bộ, đảng viên dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về "Chiến lược phát triển KT- XH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm 2021-2025". Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là chuyên đề rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Chuyên đề đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học.

Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chuyên đề đưa ra 10 phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó,  nhiều nhiệm vụ có quan hệ chặt chẽ trong tổng thể, hệ thống như: Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động...

Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 đã thể hiện được những quan điểm, chủ trương, phương hướng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cho thấy tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Cùng ngày, các đại biểu nghe Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang truyền đạt chuyên đề về "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin chuyên đề về "Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia".

Khẩn trương xây dựng chương trình hành động

Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Thành công của Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng về mặt nhận thức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cấp ủy các cấp, là cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục triển khai có hiệu quả việc nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu rộng Nghị quyết.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cũng đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư và các tổ chức đảng quan tâm tiếp tục quán triệt sâu sắc các ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị này đến mọi cán bộ, đảng viên nhằm nắm vững những quan điểm lớn, những nội dung mới, cơ bản, cốt lõi trong các văn kiện Đại hội. Thực hiện nghiêm túc theo các hướng dẫn của Bộ Chính trị và Ban Tuyên giáo T.Ư về việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong đó, hết quý II, tất cả các cấp phải hoàn thành học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trừ các đảng bộ có tính đặc thù; khắc phục tình trạng ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan báo chí, báo cáo viên các cấp đẩy mạnh tuyên truyền ở cơ sở, phổ biến rộng rãi tới đông đảo quần chúng nhân dân về những nội dung cơ bản của các văn kiện Đại hội.

Ban Tuyên giáo các cấp chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, đẩy mạnh tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giảng dạy, nghiên cứu về lý luận của Đảng bám sát  nội dung các văn kiện Đại hội khẩn trương xây dựng nội dung, bổ sung vào giáo trình giảng dạy chính trị sát với từng đối tượng cụ thể.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, tổ chức việc học tập, triển khai Nghị quyết một cách thường xuyên; yêu cầu người đứng đầu cấp ủy phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện; biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng những đơn vị thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả công tác này.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Tin, ảnh: Vân Anh).

Các tin liên quan