Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU hậu Covid-19 và công bố sách trắng EUROCHAM 2021”

Ngày 25/11/2021, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn dự Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU hậu Covid-19 và công bố sách trắng EUROCHAM 2021”, do EUROCHAM và Bộ Ngoại giao đồng tổ chức.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Văn Duẩn

Tại hội nghị, đại sứ các nước Châu Âu và một số doanh nghiệp Châu Âu đã cung cấp thông tin về hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như phản ánh một số cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư vào các tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đã cung cấp một số thông tin về kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang và xác định Liên minh Châu Âu là đối tác thu hút đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, chế biến gỗ, chế biến sâu nông sản (nhất là vải thiều trên 200 nghìn tấn/năm, gà đồi trên 17 triệu con/năm); đào tạo lao động chất lượng; tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh vào thị trường EU.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BGP/Nguyễn Văn Duẩn

Đồng thời, cam kết tỉnh Bắc Giang sẽ trở thành điểm đến an toàn và thành công của các doanh nghiệp từ EU như: Cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi, minh bạch, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh, nhất là trong vấn đề tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, xây dựng.

Hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng công nghiệp và hạ tầng xã hội của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối... Triển khai toàn diện, sâu rộng chính phủ điện tử, kinh tế số đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực tại địa phương để cung ứng nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại theo tiêu chuẩn EU, ưu tiên trước hết cho các mặt hàng định hướng xuất khẩu vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, áp dụng đồng bộ các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp để duy trì sản xuất an toàn, thích ứng linh hoạt với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, không làm ngưng trệ, đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa./.

Các tin liên quan