Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giải pháp giảm nghèo vùng DTTS

(BGĐT) - Từ chuyển đổi phương thức canh tác, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không ngừng nâng lên, từng bước giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Đưa giống mới về bản

Vượt qua đoạn đường nhỏ, dốc cao dài gần 1 km, vườn na hơn 10 năm tuổi của gia đình anh Hoàng Văn Đền, dân tộc Nùng ở thôn Bả, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) hiện ra trước mắt chúng tôi. Thời điểm này, anh Đền đang dọn cỏ, bón phân, tỉa cành cho hơn 2 nghìn cây na, chuẩn bị cho mùa quả mới. Theo anh Đền, năm 2004, do kinh tế khó khăn, anh cùng một số người dân trong thôn đến thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) thu hoạch na thuê. 

Khu vực trồng na tại thôn Bả, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn).

Khu vực trồng na tại thôn Bả, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn).

Thấy na có giá trị kinh tế cao, trong khi đất nương rẫy của gia đình đang bỏ không, điều kiện thổ nhưỡng cũng tương đồng nên anh thử lấy hạt về ươm. Năm thứ nhất thất bại, năm thứ hai vẫn không thành công nhưng anh không nản. Đến năm thứ ba (2006), lần đầu tiên những hạt na anh mang về ươm đã nẩy mầm. Từ đó, trong những lần đi thu hoạch na thuê, anh học hỏi kỹ thuật chăm sóc để na sinh trưởng, phát triển tốt. 

Cây không phụ công người, năm 2010, hơn 100 gốc na đầu tiên cho thu hoạch, dù sản lượng còn thấp song chất lượng không thua kém na ở Chi Lăng. Từ đó, anh quyết định mở rộng, trồng thêm gần 2 nghìn gốc na nữa trên diện tích 1,4 ha. “Hiện toàn bộ diện tích nương rẫy của gia đình đã được phủ kín bằng na. Từ loại cây này, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 120 triệu đồng. Na trở thành cây thoát nghèo của gia đình”, anh Đền chia sẻ.

Vùng DTTS và miền núi chiếm 72,8% diện tích tự nhiên và 14,26% dân số của tỉnh. Để từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu, những năm qua, đồng bào DTTS đã mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ví như tại xã Canh Nậu (Yên Thế), sau khi 10 hộ ở bản Chay đưa vào trồng thử nghiệm dưa chuột, đến nay 14/14 thôn, bản của xã đã đưa cây trồng này vào sản xuất với tổng diện tích khoảng 70 ha. So với cấy lúa, trồng dưa cho thu nhập cao gấp từ 15 - 20 lần. Tương tự, tại xã Lục Sơn (Lục Nam) - nơi có 61% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, người dân cũng chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả (hồng, vải thiều) chuyển sang trồng nhãn. 

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết: “Đến nay, cây nhãn đã được trồng tại 100% thôn của xã với tổng diện tích 230 ha. Trung bình mỗi năm người dân thu về 16 tỷ đồng từ nhãn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực DTTS xuống còn 8,4% (tỷ lệ này năm 2015 là 37,4%)”.

Đồng hành cùng người dân

Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh bố trí gần 85 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất tại vùng DTTS. Qua đó, hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…; hơn 1 nghìn hộ được tham gia các mô hình phát triển sản xuất. Từ hiệu quả kinh tế thu được, các hộ mở rộng quy mô, hướng dẫn đồng bào dân tộc mình cùng chuyển đổi. 

Giai đoạn 2016-2020, bằng các nguồn vốn, tỉnh bố trí gần 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất tại vùng DTTS. Qua đó, hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi…; hơn 1 nghìn hộ được tham gia các mô hình.

Điển hình như anh Hoàng Văn Đền hướng dẫn gần 20 hộ dân trong thôn chuyển sang trồng na với tổng diện tích gần 10 ha; đồng thời đứng ra thành lập tổ liên kết sản xuất na của thôn. Hay như anh Nông Văn Hương, dân tộc Dao, thôn Na Lang, xã Phong Minh (Lục Ngạn) hỗ trợ các hộ trong thôn trồng cây chè hoa vàng. Tương tự, từ hiệu quả mô hình nuôi gà đẻ trứng (thu 500-750 triệu đồng/năm), anh Hoàng Văn Huân, dân tộc Tày, thôn Hai, xã An Bá (Sơn Động) cũng giúp đỡ nhiều hộ khác chuyển sang mô hình này...

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, từ sự hỗ trợ cùng với các chính sách dân tộc khác được triển khai thực hiện, diện mạo vùng đồng bào DTTS có những thay đổi căn bản, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước cải thiện; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất cũng như những thách thức từ điều kiện tự nhiên nên kết quả giảm nghèo tại vùng DTTS chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng cách giàu- nghèo và chênh lệch về trình độ phát triển giữa vùng DTTS với các vùng khác, giữa các thành phần dân tộc còn khác biệt. 

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, đồng thời bảo đảm mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng bền vững, cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào DTTS cần chủ động hơn trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương. Huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội để cải thiện cơ sở hạ tầng, tích cực xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất đã có hiệu quả… ”.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Bài, ảnh: Sỹ Quyết).

Các tin liên quan