Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa: Hình thành nhiều vùng chuyên canh

(BGĐT) - Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã khai thác được những lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều vùng chuyên canh.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Thay vì tất bật dậy sớm ra đồng như những năm trước, hai năm gần đây, đúng 7 giờ sáng, bà Trần Thị Sinh (SN 1959) ở thôn Cả, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) cùng gần chục lao động khác trong thôn có mặt tại cánh đồng phía trước làng để làm việc. Theo bà Sinh, trước đây trên diện tích gần 8 sào ruộng, gia đình bà chỉ canh tác 2 vụ lúa/năm. Với năng suất bình quân 2 tạ/sào, mỗi năm bà thu về gần 30 triệu đồng. 

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới được HTX Rau sạch Yên Dũng triển khai trên diện tích trồng lúa trước đây.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới được HTX Rau sạch Yên Dũng triển khai trên diện tích trồng lúa trước đây.

Đầu năm 2019, khi Hợp tác xã (HTX) rau sạch Mỹ Thái thành lập, đưa những giống cây mới vào sản xuất (rau chế biến, dưa chuột…) trên cánh đồng cấy lúa của thôn, bà Sinh cùng gần chục hộ dân trong thôn đã cho HTX thuê 8 ha đất nông nghiệp. Cùng với giá thuê 1 triệu đồng/sào/năm, các hộ cho thuê đất được HTX nhận vào làm lao động với thu nhập 160 nghìn đồng/người/ngày. “Làm thuê cho HTX, không chỉ có thu nhập ổn định, chúng tôi không phải lo mất mùa, sâu bệnh hay giá cả thị trường. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng (chồng bà làm bảo vệ tại HTX), chúng tôi đã có của ăn, của để”.

Tại nhiều địa phương, nhờ chuyển đổi hiệu quả diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích tăng lên đáng kể. Điển hình, từ 13 ha chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây rau màu khác (năm 2016), đến nay HTX Rau sạch Yên Dũng đã mở rộng quy mô lên 60 ha tại xã Tiến Dũng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 100 nông dân. Theo tính toán, hiện thu nhập tại khu vực này đã đạt 130 triệu đồng/ha. Hay như tại xã Lan Giới (Tân Yên), đến nay, cơ bản diện tích đất trồng lúa của xã đã được phủ xanh bởi dưa bao tử, ngô ngọt và khoai tây; giá trị mang lại cao hơn nhiều lần so với cấy lúa.

Tương tự, hơn 250 ha trồng lúa tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) cũng đã được thay thế bởi các loại cây ăn quả. Ông Trần Đình Long (SN 1965), thôn Lân Thịnh (xã Phúc Hòa) nói: “Trước đây các con tôi phải đi làm công nhân tại khu công nghiệp do 3 mẫu ruộng của gia đình chỉ cấy được 1 vụ lúa không ăn chắc. Từ khi chuyển sang trồng ổi lê, không những thu nhập tăng (mỗi sào ổi mang lại thu nhập 25 triệu đồng/năm) mà các con tôi cũng không phải đi làm thuê nữa, quay lại gắn bó với nghề nông”.

Tránh phát sinh hệ lụy

Với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh chuyển đổi gần 6,4 nghìn ha đất cấy lúa sang trồng các loại cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Theo đánh giá, việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên đất lúa là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập và bảo đảm khai thác, tận dụng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 6,1/55 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Để bảo đảm sau khi chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại, cơ quan chuyên môn tỉnh đang phối hợp với các địa phương rà soát diện tích chuyển đổi theo từng năm, từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện phù hợp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa ở một số địa phương còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, kế hoạch, chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Ông Hà Văn Tuyển, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên nói: “Tình trạng tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác, nhất là cây ăn quả xảy ra có nguyên nhân từ việc quản lý của cấp ủy, chính quyền các địa phương còn lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện để tuyên truyền, ngăn chặn. Cùng đó, điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng không thuận lợi nên việc sản xuất lúa gặp khó khăn, trong khi nhiều loại cây trồng khác đang mang lại giá trị cao nên người dân tự ý chuyển đổi”.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh chuyển đổi 6,1/55 nghìn ha đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi thủy sản. Để thực hiện tốt công tác quản lý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, TP chỉ đạo cơ quan chức năng có thẩm quyền, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc quản lý chuyển đổi. 

Đề cao vai trò, trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp xã, thôn trong chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện chuyển đổi, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển nông nghiệp, chính quyền các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo từng năm, bảo đảm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để sản xuất có hiệu quả, bền vững.

Theo ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), để bảo đảm sau khi chuyển đổi không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại, Chi cục phối hợp với các địa phương rà soát diện tích chuyển đổi theo từng năm, từ đó đưa ra kế hoạch thực hiện phù hợp. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chỉ được phép chuyển đổi khi được UBND cấp xã xác nhận đồng ý. Cùng đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp sai quy định”.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Bài, ảnh: Sỹ Quyết).

Các tin liên quan