Bắc Giang tiếp tục tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại tuyến huyện

(BGĐT) - Ngay sau buổi tiêm điểm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và  Trung tâm Y tế huyện Lục Nam, ngày 13/3, 5 đơn vị trung tâm y tế các huyện gồm: Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Dũng, Hiệp Hòa và Tân Yên tiếp tục triển khai tiêm cho cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu phòng dịch.

Tuân thủ nghiêm quy trình tiêm

Trong đợt tiêm này, Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn có 380 cán bộ, nhân viên y tế được tiêm. Y sĩ Nguyễn Văn Thành làm việc tại Trạm Y tế xã Quý Sơn chia sẻ: “Tôi rất vinh dự là người đầu tiên được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại huyện Lục Ngạn. Hy vọng trong thời gian tới nhiều người sẽ được tiêm như tôi để nâng tỷ lệ miễn dịch, chiến thắng đại dịch”.

Lãnh đạo Sở Y tế giám sát tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn. 

Lãnh đạo Sở Y tế giám sát tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn.

Khu vực tiêm bố trí tại dãy nhà điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm được chuẩn bị chu đáo, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại. Đơn vị bố trí 2 bàn tiêm theo quy tắc một chiều khép kín. Trong đó có các khu vực dành riêng cho người chờ làm thủ tục và theo dõi sau tiêm. Trước khi tiêm, bác sĩ Nông Văn Duy thực hiện khám sàng lọc kỹ càng, loại trừ các yếu tố nguy cơ cho các đối tượng được tiêm. Để bảo đảm an toàn, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã trực tiếp làm công tác giám sát quy trình tiêm tại đây.

Tại huyện Yên Dũng, cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ ở các khoa liên quan đến phòng dịch, như: Khám bệnh, xét nghiệm, cấp cứu hồi sức tích cực chống độc, truyền nhiễm và cán bộ trạm y tế một số xã, thị trấn được ưu tiên tiêm đợt 1. 

Tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng. 

Tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng.

Trong quá trình tiêm, cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh luôn thường trực theo dõi, giám sát, hướng dẫn người tiêm bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, đặc biệt không để vắc xin bị va đập, chịu tác động mạnh hay bị rung lắc theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Là người được tiêm, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng chia sẻ: "Qua theo dõi việc tiêm vắc xin ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Lục Nam những ngày qua, tôi cảm thấy rất yên tâm. Việc tiêm vắc xin không những tốt cho bản thân mình mà còn cho cả cộng đồng. Chúng tôi có sức khỏe thì mới có thể chăm sóc, khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân". Đợt này, huyện Yên Dũng có 250 người được tiêm.

Tại huyện vùng cao Sơn Động đợt này cũng có 220 người được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo Bác sĩ Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, bảo đảm, nhân viên y tế sau tiêm được hướng dẫn theo dõi tại chỗ trong vòng 30 phút và tiếp tục được theo dõi sức khoẻ trong vòng 7 ngày; mỗi cán bộ tiêm vắc xin được cấp giấy xác nhận tiêm mũi Covid-19 lần 1. 

Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu giám sát tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. 

Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Hiệu giám sát tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động.

Quan sát tại các điểm tiêm vắc xin đều bố trí nhân viên điều dưỡng có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm trong tiêm chủng để trực tiếp tiêm vắc xin Covid-19. Cùng đó sắp xếp vị trí các bàn tiêm theo quy định giãn cách vừa bảo đảm ngăn nguy cơ lây nhiễm chéo, vừa tuân thủ nghiêm kỹ thuật tiêm an toàn. Tại điểm tiêm luôn có các bác sĩ chuyên ngành hồi sức tích cực sẵn sàng xử trí khi có tình huống. Riêng các phương tiện, thuốc, dịch truyền, máy hỗ trợ thở được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm xử trí nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả các diễn biến phát sinh.

Chị Nguyễn Thị Chung, nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa lấy vắc xin chuẩn bị tiêm.

Chị Nguyễn Thị Chung, nhân viên y tế Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa lấy vắc xin chuẩn bị tiêm.

Mỗi cán bộ, nhân viên y tế được tiêm đều cảm nhận sự quan tâm của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp ưu tiên tiêm đợt đầu tiên. Đây cũng là động lực để những "chiến sĩ" áo trắng tiếp tục cống hiến cho công cuộc phòng, chống dịch còn nhiều gian nan phía trước.

Giám sát chặt chẽ sức khỏe sau tiêm

Đợt này, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa có hơn 300 cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ ở tuyến đầu phòng dịch ưu tiên tiêm trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Ngoài chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực tham gia tiêm vắc xin, Trung tâm Y tế huyện có cách làm sáng tạo đó là in “Giấy xác nhận đã đăng ký tiêm vác xin Covid-19” với đầy đủ thông tin giúp người được tiêm dễ dàng lưu giữ đồng thời qua đây các bác sĩ còn cảm nhận thêm được niềm vinh dự, tự hào, trân trọng vị trí trên tuyến đầu chống dịch của mình.

Lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Hiệp Hòa kiểm tra công tác tiêm vắc xin tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa.

Lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Hiệp Hòa kiểm tra công tác tiêm vắc xin tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa.

Là người tham gia giám sát quy trình tiêm vắc xin tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, bác sĩ Nguyễn Thị Đoan Trang, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang) cho biết công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí nhân lực và tổ chức tiêm tại đây đã được triển khai đúng quy trình; những người được tiêm đều yên tâm. 

Trực tiếp kiểm tra công tác tiêm vắc xin tại huyện Hiệp Hòa và huyện Tân Yên trong ngày 13/3, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Y tế đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức của các đơn vị. Trước đó, để bảo đảm an toàn, sau buổi tiêm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Lục Nam, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, khắc phục bất cập để quy trình tiêm hoàn thiện theo chu trình khép kín từ khâu tiếp nhận vắc xin đến theo dõi chặt chẽ diễn tiến sức khỏe của người sau tiêm.

Sáng 13/3, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên tổ chức tiêm vắc xin cho 60 cán bộ y tế.

Sáng 13/3, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên tổ chức tiêm vắc xin cho 60 cán bộ y tế.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 875 cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại tuyến đầu phòng, phòng chống dịch được tiêm vắc xin, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. 

Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Ung bướu chuẩn bị xe cứu thương, trang thiết bị, sinh phẩm y tế và 1 tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử 5 tổ giám sát tại các điểm tiêm để thường xuyên theo dõi quá trình thực hiện, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm để triển khai các đợt tiếp theo an toàn, hiệu quả. Đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khỏe các đối tượng sau tiêm và có tổng hợp báo cáo kết quả hằng ngày về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh và Bộ Y tế.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các trường hợp sau tiêm nếu có biểu hiện như: Đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nóng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt (phổ biến nhất là sốt nhẹ) là phản ứng thông thường. Tuy nhiên, các trường hợp sau tiêm đều phải theo dõi sức khỏe, nếu có diễn biến bất thường cần liên hệ ngay với cơ quan tiêm chủng.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (​Nhóm PV VH-XH).

Các tin liên quan