Bắc Giang thu hút đầu tư: Ưu tiên lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh

(BGĐT) - Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Bắc Giang đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, TP trong cả nước, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Để đạt được mục tiêu này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là thu hút đầu tư.

Hoàn thiện hạ tầng KCN Quang Châu mở rộng để đón nhà đầu tư.      Ảnh: Trường Sơn. 

Hoàn thiện hạ tầng KCN Quang Châu mở rộng để đón nhà đầu tư.      Ảnh: Trường Sơn. 

Năm 2030, Bắc Giang phấn đấu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại thì bên cạnh phát huy nội lực, việc thu hút đầu tư nguồn lực để đạt mục tiêu này có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy trong thời gian tới tỉnh cần tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư cả về số lượng và chất lượng.

Những năm qua, để tập trung thu hút đầu tư, Bắc Giang đã tích cực, chủ động sớm xây dựng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp, các khu dịch vụ du lịch; nhiều chính sách được ban hành. Nhờ đó đã tạo bước đột phá cho phát triển KT-XH của tỉnh. Quý I/2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 17,96%, cao nhất từ trước đến nay; thu hút đầu tư FDI đứng thứ ba cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải nhìn nhận công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định như: Cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện; nhiều dự án đầu tư có quy mô nhỏ, công nghệ thấp, tiêu hao năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; suất đầu tư trên 1 ha đất sử dụng chưa cao.

Tỉnh cần quan tâm ưu tiên thu hút dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ, dự án tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh. 

Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và những chính sách ưu đãi đối với khu vực này. Số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao vẫn ít; đóng góp vào ngân sách nhà nước còn khiêm tốn. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn chậm đổi mới; cơ chế chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; nhiều dự án đầu tư chậm triển khai; hiệu quả thu được từ các dự án đầu tư còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, 5 năm tới, tỉnh cần khoảng 477 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, vốn đầu tư từ khu vực nhà nước chiếm khoảng 10,5%; vốn ngoài nhà nước khoảng 54% và vốn nước ngoài khoảng 35,5%. Vì vậy xác định nhiệm kỳ tới, đẩy mạnh thu hút đầu tư tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những ưu tiên hàng đầu thì cần tập trung vào một số giải pháp. 

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu). Ảnh Trường Sơn

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu). Ảnh Trường Sơn

Trước hết, làm tốt công tác quy hoạch, công khai quy hoạch đã được phê duyệt; có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị, nông nghiệp, các khu dịch vụ du lịch… Đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp.

Quan tâm ưu tiên thu hút dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển KT-XH của tỉnh; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ, dự án tỉnh có nhiều lợi thế cạnh tranh. 

Đẩy mạnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh với cộng đồng DN trong và ngoài nước; giúp DN và nhà đầu tư hiểu rõ hơn về Bắc Giang cũng như chủ trương và quyết tâm đổi mới trong thu hút đầu tư, phát triển.

Trong công tác xúc tiến đầu tư cần chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia; các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản, Hàn Quốc và hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu và Hoa Kỳ. Một giải pháp cần lưu tâm thực hiện là đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát dự án đầu tư, bảo đảm việc triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN thuận lợi, hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường hậu kiểm, kiên quyết thu hồi các dự án “treo”, các dự án chậm triển khai, thực hiện không đúng tiến độ cam kết.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Tiến sĩ Phùng Minh).

Các tin liên quan