Bắc Giang quyết tâm nâng hạng chỉ số PCI, năm 2022 tối thiểu xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố

Sáng 24/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2022”. Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 200 điểm cầu tới các huyện, thành phố và tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh.

Tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, công chức một cửa của các cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc và làm việc với doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư; thành viên Ban chấp hành các tổ chức Hội DN trên địa bàn tỉnh và trên 120 DN trong tỉnh... Tại 10 điểm cầu UBND huyện, thành phố và điểm cầu các xã, phường thị trấn trong tỉnh có khoảng 4,4 nghìn đại biểu tham dự.

Về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh.

Quang cảnh hội nghị.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư FDI liên tục duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 24,03%, cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực kinh tế từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Cùng với đẩy mạnh phát triển KT-XH, tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đổi mới trong quản lý, điều hành, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng DN thông qua nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Theo công bố, năm 2021 chỉ số PCI tỉnh Bắc Giang đạt 64,74 điểm, tăng 0,76 điểm so với năm trước; xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm tỉnh, thành tỉnh phố có chất lượng điều hành khá trên bảng xếp hạng. Trong 10 chỉ số thành phần, Bắc Giang có 5 chỉ số tăng điểm gồm: Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp; Tính minh bạch; Tiếp cận đất đai; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Chi phí không chính thức. Có 5 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Cạnh tranh bình đẳng; Đào tạo lao động; Chi phí thời gian; Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh.

Đồng chí nhấn mạnh mặc dù chỉ số PCI của tỉnh có sự tăng điểm song thứ hạng năm 2021 của tỉnh giảm 4 bậc so với năm trước. Tỉnh thẳng thắn nhìn nhận rằng việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn chậm so với mức trung bình của cả nước và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Những nỗ lực cải thiện chưa thực sự phát huy hiệu quả thực tiễn, còn rào cản, điểm nghẽn bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ. Với mục tiêu xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh, để Bắc Giang thực sự là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng chí cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặt quyết tâm chính trị cao, nâng thứ hạng PCI năm nay.

Hội nghị này được tổ chức trực tiếp và trực tuyến 3 cấp tỉnh, huyện, xã nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến công chức, viên chức, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến DN, người dân ở tất cả các cấp (từ cấp tỉnh đến cấp xã) và các DN trong tỉnh cùng phân tích kết quả đánh giá các chỉ tiêu thành phần PCI năm 2021 để hiểu đầy đủ, toàn diện sâu sắc hơn về phương pháp, cách thức đánh giá; vai trò, trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là đối với các chỉ tiêu thấp điểm. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém để cải thiện chỉ số PCI năm nay. Đồng thời đưa ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực giải quyết tận gốc các nút thắt, điểm nghẽn, mở ra các cơ hội mới cho phát triển của tỉnh thời gian tới.

Đồng chí Đậu Anh Tuấn -  Ủy viên ban thường trực, Phó Tổng thư ký - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  trao đổi về các giải pháp cải thiện chỉ số PCI.

Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích về các chỉ số PCI của tỉnh từ đó đưa ra kinh nghiệm, biện pháp nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới. Đồng chí Đậu Anh Tuấn đã phân tích chi tiết những các chỉ số thành phần PCI năm 2021, nguyên nhân các chỉ số thành phần bị tụt điểm. Đồng thời khuyến nghị tỉnh Bắc Giang về cải thiện PCI trong năm 2022. Đồng chí nhấn mạnh PCI là công cụ đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, đồng thời là kênh truyền tải tiếng nói của DN. Thông qua phân tích các chỉ số thành phần, đồng chí chỉ rõ so với giai đoạn 2017-2020, một số chỉ tiêu đánh giá chi phí thời gian trong thực hiện thủ tục hành chính năm 2021 không duy trì được hướng tích cực.

Như cán bộ nhà nước thân thiện xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố; cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố; DN không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố. DN phản ánh vẫn còn hiện tượng ưu ái DN lớn; DN khó khăn khi tiếp cận tài liệu... Những khía cạnh này tỉnh cần quan tâm và có thể cải thiện được. Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ cả DN vừa và nhỏ; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về chủ trương, chính sách, giúp DN dễ tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh,...

Đồng chí Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng Bắc Giang cải thiện môi trường kinh doanh là một động lực quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển mới và đề xuất một số giải pháp cải thiện điểm số chỉ số thành phần “Chi phí thời gian”; “Tiếp cận đất đai”; chỉ tiêu của chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” thuộc lĩnh vực ngành Thuế; điểm số chỉ số thành phần “Đào tạo lao động”; “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”; môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn thành phố Bắc Giang...

Một số ý kiến đề nghị tỉnh có giải pháp quyết tâm hơn nữa để nâng điểm chỉ số có số điểm thấp năm 2021. Điển hình như chỉ số chi phí thời gian bị giảm điểm là do việc cải cách thủ tục hành chính còn hạn chế. Công tác quản lý, điều hành cũng như trách nhiệm phục vụ người dân, DN của đội ngũ công chức ở một số cơ quan quản lý nhà nước có thời điểm chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, đề nghị thời gian tới cần nâng cao vai trò trách nhiệm, người đứng đầu trong xử lý, ngăn chặn tình trạng gây nhũng nhiễu, phiền hà cho DN. Người đứng đầu các cấp phải năng động, tiên phong, đồng hành hỗ trợ DN...

Đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phát biểu kết luận hội nghị.

Tháo gỡ điểm nghẽn, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong cải thiện điểm số

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, PCI là chỉ số quan trọng, là tấm gương phản chiếu năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền từ góc nhìn của DN. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cải thiện chỉ số PCI chính là mục tiêu, giải pháp, là động lực để tỉnh Bắc Giang thay đổi. Việc quyết tâm nâng hạng chỉ số PCI không chỉ là so với các tỉnh, thành phố mà về lâu về dài là giải pháp giúp tỉnh đạt được mục tiêu phát triển kinh tế. Mục tiêu của tỉnh là phải có năng lực cạnh tranh thực sự tốt, được DN đánh giá, cảm nhận được. Chỉ số PCI được cải thiện phải bảo đảm chất lượng lâu dài, thúc đẩy thu hút đầu tư để khai thác tốt lợi thế, thế mạnh của tỉnh để phát triển hơn nữa KT-XH của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu, các sở, ban, ngành, địa phương cần có quyết tâm cao từng bước cải thiện chỉ số PCI trong năm nay và những năm tiếp theo, không thể chần chừ, bằng lòng với kết quả hiện có. Mục tiêu năm nay, chỉ số PCI của tỉnh tối thiểu đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố; phấn đấu đến năm 2025, chỉ số PCI đứng trong tốp 15 của cả nước. Để đạt được top 15, các đơn vị phải có sự đột phát trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh giải pháp không phải là hô khẩu hiệu, tổ chức hội nghị mà cần phải có hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, có hình thức khen thưởng và xử lý đối với trường hợp làm tốt và chưa đạt yêu cầu. Theo đó, trước hết các đơn vị cần tập trung vào các chỉ số giảm điểm, chỉ số đứng thứ hạng thấp để xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình. Chỉ số giảm điểm cần tập trung cao để cải thiện, chỉ số có số điểm khá cần giữ vững phấn đấu làm cải thiện tốt hơn nữa.

Đồng chí lưu ý sở, ban, ngành, địa phương xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải thiện Chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm, là nhiệm vụ khó, từ đó cấp ủy, chính quyền các cấp đều phải quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Sở, ban, ngành, địa phương nào thực hiện không tốt các chỉ số thành phần, làm ảnh hưởng đến chỉ số PCI của tỉnh, tỉnh sẽ xem xét đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.  

Cùng đó, các đơn vị cần đổi mới công tác tuyên truyền, tập trung vào hạn chế, tồn tại, có giải pháp thực hiện cụ thể. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy nhanh chuyển đổi số; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến; chấn chỉnh cách thức làm việc của cán bộ tại bộ phận một cửa; quan tâm hỗ trợ cả DN lớn và nhỏ. Việc thanh tra, kiểm tra các DN cần phải rà soát lại, tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp, gây phiền hà cho DN. Các ngành, địa phương phải xây dựng mối quan hệ thân thiện với DN, tăng cường các hoạt động đối thoại và tiếp DN để lắng nghe vướng mắc, khi DN gặp khó cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng, đẩy mạnh hóa đơn điện tử, thường xuyên kiểm điểm đánh giá, kiểm tra; xây dựng kế hoạch triển khai theo từng năm, dài hạn để việc triển khai đi vào nề nếp, thành văn hóa ứng xử, thành thói quen tự nhiên ứng xử với DN./.

                                                                                                                                                           Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan