Bắc Giang: Lao động tự do gặp khó do dịch Covid-19

(BGĐT) - Không có hợp đồng lao động, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống của nhiều lao động tự do ở Bắc Giang trong mùa dịch Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn.

Bán hoa quả ở khu vực chợ Thương (TP Bắc Giang) đã hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1976) ở tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế chia sẻ: Trước đây tôi phải cho hoa quả lên xe thồ, dong ruổi khắp các ngõ phố để bán. Khoảng 3 năm trở lại đây, có chỗ ngồi bán hàng ổn định, khách mua quen nên mỗi tháng trừ chi phí, tôi có khoản lãi ổn định ở mức khoảng 8 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống. 

Chị Nguyễn Thị Ngân lo lắng về thu nhập, đời sống nếu dịch kéo dài.

Chị Nguyễn Thị Ngân lo lắng về thu nhập, đời sống nếu dịch kéo dài.

Nhưng khoảng hai tháng nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19, người mua thưa dần, thậm chí có hôm chỉ có vài khách, lượng hàng tiêu thụ chỉ bằng 1/10 so với trước. Bình thường, 3 chị em cùng bán, nhưng nay phải luân phiên nhau vì không có khách đồng nghĩa với thu nhập không đáng kể. Trò chuyện được biết, chồng chị Ngân làm nghề thợ xây, thời điểm này cũng không có việc làm. “Cứ mãi thế này thì tôi chẳng biết lấy đâu ra tiền để lo chi phí sinh hoạt, sắp tới hai con đi học đại học trở lại, khoản đóng học phí cũng mấy triệu đồng”, chị Ngân nói.

Như chị Ngân, hơn một tháng nay, anh Đặng Văn Hướng (SN 1983), thị trấn Neo (Yên Dũng) làm nghề lái taxi thi thoảng mới có khách quen. Anh tâm sự: "Tôi chạy xe ôm được gần 4 năm. Từ nguồn tiết kiệm cộng với vay mượn thêm người thân, mới đây tôi mua được chiếc ô tô chạy thuê cho đỡ vất vả. Cứ nghĩ có việc đều đều thì mấy năm nữa sẽ có tiền trả nợ, ai ngờ xảy ra dịch bệnh nên phải tạm nghỉ. Nếu dịch bệnh kéo dài, tôi chẳng biết đến bao giờ mới trả hết nợ".  

Thực hiện quy định cách ly xã hội, các hộ kinh doanh đều đóng cửa.

Thực hiện quy định cách ly xã hội, các hộ kinh doanh đều đóng cửa.

Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó tiểu thương, hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ, lao động tự do bị tác động mạnh. Dạo một vòng đến một số chợ ở TP Bắc Giang và trung tâm các huyện thì thấy, thực hiện quy định cách ly xã hội, hầu hết hàng quán, cửa hiệu đều đóng cửa. Riêng cơ sở kinh doanh mặt hàng, dịch vụ thiết yếu được mở cửa song với tâm lý lo sợ dịch, hầu hết người dân không ra đường, việc mua sắm cũng giảm. Tạm dừng hoạt động hoặc không có khách hàng kéo theo thu nhập giảm sút, cuộc sống của người dân gặp khó khăn. 

 

“Để bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn, trong khi chờ hướng dẫn của Chính phủ, các địa phương, nhất là MTTQ, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, tạo sự đồng thuận và thực hiện đúng mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội”, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

 

Nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống người lao động, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đây được xem là “phao cứu sinh”, kịp thời giúp hàng triệu lao động thu nhập thấp có thêm điều kiện vượt qua dịch bệnh. Thực tế, nhiều gia đình nguồn thu nhập hằng tháng vốn eo hẹp, nay do tác động của dịch Covid-19 lại càng thêm khó khăn, vất vả.

Nhóm lao động tự do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Nhóm lao động tự do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng sẽ dành cho 7 nhóm đối tượng. Ngoài lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm; người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo thì nhóm lao động tự do, không có hợp đồng lao động cũng được trợ giúp. 

Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Dù có việc làm nhưng nhóm lao động tự do như người giúp việc gia đình, bán hàng rong, buôn bán nhỏ không có giấy phép kinh doanh, lái xe ôm, xe taxi, bốc vác, giúp việc tại các cơ sở dịch vụ... thu nhập thường bấp bênh. Thêm nữa, do không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội nên khi mất việc làm, họ sẽ không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hay bất cứ quyền lợi liên quan nào. Việc Chính phủ có giải pháp kịp thời hỗ trợ nhóm đối tượng này là hoàn toàn phù hợp, góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội. 

Theo: Tường Vi 

Các tin liên quan