Bắc Giang: Doanh nghiệp khôi phục sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh

(BGĐT) - Trước tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhất là ổ dịch trong Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung và Quang Châu, ngày 17/5, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong 4 KCN để phòng, chống dịch. Sau khoảng 10 ngày tạm dừng hoạt động, ngày 25/5, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 213 về việc tổ chức lại sản xuất cho DN trong các KCN nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế.

Xưởng sản xuất Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) bảo đảm giãn khoảng cách giữa người lao động theo quy định. Ảnh: CTV

Xưởng sản xuất Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (KCN Vân Trung) bảo đảm giãn khoảng cách giữa người lao động theo quy định. Ảnh: CTV

Doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất

Theo ngành chức năng, khoảng 10 ngày qua, các KCN Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu (Việt Yên) và Song Khê - Nội Hoàng (Yên Dũng, TP Bắc Giang) có gần 330 DN tạm dừng hoạt động với hàng trăm nghìn công nhân nghỉ việc. 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vừa bảo đảm an toàn chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 213 về việc tổ chức lại sản xuất cho DN trong các KCN.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến với giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, TP ngày 27/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh, việc khôi phục dần hoạt động của các DN trong KCN nhằm đưa tỉnh sang giai đoạn mới, vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn với phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”. Đồng thời về lâu dài không thể để đứt gãy hoạt động kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu do các nhà máy ở Bắc Giang dừng hoạt động thì không thể cung cấp nguyên liệu đầu vào hoặc không thể hoàn thiện sản phẩm cuối cùng cho chuỗi các nhà máy khác của các tập đoàn. Điều này dẫn tới không chỉ DN, người lao động trong tỉnh bị ảnh hưởng mà còn làm đứt gãy sản xuất tại các địa phương khác, ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh của cả nước.

Được biết, tại 4 KCN hiện có nhiều DN thuộc chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới như: Apple, Samsung Toyota, Honda. Nếu Công ty Samsung Bắc Giang đóng cửa thêm thời gian nữa sẽ kéo theo Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng. Hiện Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho Samsung.

Cùng với đó, các DN trong KCN tổ chức lại sản xuất góp phần giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội, từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống người lao động. Đồng thời xây dựng môi trường mới bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh. Theo đó, những DN bảo đảm đủ điều kiện an toàn dịch bệnh mới được phép quay lại sản xuất. 

Thực hiện Kế hoạch trên, tỉnh đánh giá rất kỹ các điều kiện, nguy cơ trước khi mở cửa trở lại 4 KCN. Tỉnh đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ công nhân ở 4 KNC lần 2. Đồng thời thành lập 35 tổ công tác liên ngành kiểm tra gần 237 DN hoạt động trong 4 KCN để đánh giá mức độ, nguy cơ lây nhiễm dịch tại nơi làm việc và khu ký túc xá cho người lao động. Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp cùng các đội kiểm tra, đôn đốc, tư vấn sâu về các vấn đề liên quan.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Khu vực cung cấp đồ ăn cho công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang bảo đảm an toàn vệ sinh, khoảng cách. Ảnh: CTV 

Khu vực cung cấp đồ ăn cho công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang bảo đảm an toàn vệ sinh, khoảng cách. Ảnh: CTV

Theo Kế hoạch 213 của UBND tỉnh, sau khi kiểm tra, các DN bảo đảm phương án, điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 an toàn trong sản xuất, kinh doanh sẽ được tỉnh cho phép hoạt động trở lại. Trước mắt ở giai đoạn vừa chống dịch vừa sản xuất, tỉnh chọn 8 công ty xây dựng mô hình điểm sản xuất bảo đảm an toàn.

Sau khi thẩm định hồ sơ, ngày 28 và 29/5, Ban Quản lý Các KCN tỉnh đã nhất trí cho 9 DN hoạt động trở lại, gồm các Công ty TNHH: New Wing Interconnect Technology, S-Connect BG Vina; Gigalane; Jeil Tech cùng ở KCN Vân Trung; Fuhong Precision Component Bắc Giang, KCN Đình Trám và lô P thuộc KCN Quang Châu; Công nghệ chính xác Fuyu; New Hope; Đặc khu Hope; Si Flex Việt Nam cùng ở KCN Quang Châu. Trong đó có 2 DN hoạt động từ ngày 28/5; 1 DN hoạt động từ ngày 29/5, còn lại là từ ngày 30/5. Số lượng công nhân các DN đăng ký hoạt động trở lại là 4.056 người. Các DN có số người lao động đăng ký quay lại sản xuất với số lượng lớn gồm Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (1.294 người) và Công ty TNHH S-Connect BG Vina 660 người…

Ghi nhận ở những DN đã đi vào hoạt động như Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology và Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang cho thấy, các đơn vị này đều thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch như: Đo thân nhiệt cho công nhân, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, bố trí nơi làm việc, nhà ăn bảo đảm khoảng cách. Đặc biệt, số công nhân quay trở lại làm việc từ khi DN tạm dừng hoạt động đến nay đều ăn ở trong ký túc xá của DN và được xét nghiệm đủ số lần âm tính theo quy định trước khi trở lại làm việc. Các DN này bố trí xe đưa đón công nhân riêng, yêu cầu công nhân ăn ở tại ký túc xá, không tiếp xúc với bên ngoài. 

Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology cho biết, do được quán triệt kỹ về công tác phòng, chống dịch, chúng tôi di chuyển đến nhà máy theo từng tốp, bảo đảm giãn cách trên xe ô tô chuyên dụng. Lúc nghỉ ăn cơm, công nhân chia nhỏ thành nhiều ca, theo khung giờ nhất định để hạn chế tập trung đông người.

Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất trở lại ổn định bước đầu, những DN trên đang gặp nhiều khó khăn. Sáng 29/5, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology có gần 1 nghìn công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử. Đây là DN sản xuất, cung ứng thiết bị diện tử cho nhiều hãng trên thế giới, trong đó chủ yếu là hãng Apple (Mỹ). Theo ông Ôn Ngọc Kiệt, Giám đốc điều hành sản xuất của Công ty, sau khi tạm dừng hoạt động do dịch Covid-19, phần lớn công nhân đang bị cách ly, phong tỏa tại các khu nhà trọ do đó chưa thể quay lại nhà máy làm việc như ban đầu. Thời điểm này, DN mới hoạt động được 10% công suất so với trước khi bùng phát dịch. DN có thể bảo đảm sản xuất an toàn đạt 30% công suất nếu công nhân trở lại nhà máy.

Còn tại Công ty TNHH Siflex Việt Nam (KCN Quang Châu), đơn vị đã bố trí chỗ ăn ở cho khoảng 1 nghìn lao động ngay trong khu sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Quân, Trưởng Phòng Hành chính, nhân sự,  Công ty cùng một lúc cải tạo nhiều hạng mục, công trình cũng như mua sắm thiết bị, đồ dùng thiết yếu phục vụ công nhân sinh hoạt. Khi chưa có dịch, Công ty thường xuyên sử dụng 6 nghìn lao động nhưng nay chỉ có khả năng đón 1 nghìn người quay trở lại làm việc vì phần lớn công nhân vẫn đang trong vùng cách ly, khó bố trí chỗ ở tập trung.

 Ngoài ra còn do tâm lý một số công nhân chưa sẵn sàng quay lại làm việc vì lo ngại dịch. Tương tự, tại các Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam, Công ty TNHH Đặc khu Hope, Công ty TNHH New Hope… hiện cũng đang gặp khó do thiếu công nhân và bố trí xe đưa đón công nhân đang ở tại nhà. Trước khó khăn trên của DN, các ngành liên quan phối hợp hướng dẫn DN xây dựng mô hình “công nhân an toàn, giao thông an toàn, sản xuất an toàn, DN an toàn” để áp dụng tại các DN nhằm bảo đảm sức khỏe công nhân.

Công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang được bố trí làm việc tại khu vực thoáng khí. Ảnh: CTV

Công nhân Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang được bố trí làm việc tại khu vực thoáng khí. Ảnh: CTV

Giám đốc Ban Quản lý Các KCN tỉnh Đào Xuân Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời điểm này đơn vị đang tiếp tục thẩm định hồ sơ về phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các DN đủ điều kiện để cho phép hoạt động trở lại. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các huyện, TP giới thiệu và cấp giấy xác nhận cho những công nhân được kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch từ ngày 9/5 trở lại đây và có 2 lần xét nghiệm Realtime -PCR âm tính theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế để quay trở lại làm việc tại các nhà máy.

Về phía các DN, tỉnh yêu cầu bố trí xe đón người lao động một lần đến nơi tập trung của DN ít nhất 3 ngày trước khi làm việc và xét nghiệm lại cho toàn bộ người lao động khi cần thiết. Các DN bố trí ký túc xá riêng, nơi ở riêng biệt tại nơi làm việc cho công nhân, cách ly hoàn toàn với cộng đồng. Trong suốt quá trình sản xuất, cần bố trí giãn cách cho công nhân, nhà xưởng bảo đảm thoáng khí. Với DN sản xuất điện tử bắt buộc phải ở môi trường kín thì phải bố trí công nhân thành các nhóm nhỏ, thực hiện “4 cùng”: Cùng làm, cùng ăn, cùng đi chung xe, cùng ở để nếu xảy ra dịch bệnh thì kịp thời khoanh vùng, xử lý.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Minh Linh).                                            

Các tin liên quan