“Ba không” trong dịch vụ vận tải hành khách trái phép

(BGĐT) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh vận tải hành khách như đi chung, xe hợp đồng đi nhanh… Khách hàng chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc thông qua các mạng xã hội, gọi đến tổng đài là có xe đưa đón tận nhà. Tuy nhiên, hoạt động này dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, thất thu ngân sách do không có bến, không giao vé cho khách, không nộp thuế.

Cứ gọi là có xe

Trong vai một hành khách có nhu cầu đi Hà Nội gấp, tôi bấm số điện thoại gọi vào tổng đài 1900 86... của Công ty cổ phần xã hội Hoa Hướng Dương có địa chỉ ở số 616, đường Xương Giang (TP Bắc Giang). Sau vài hồi chuông, một người nhấc máy trả lời khoảng 1 tiếng nữa có xe và đề nghị tôi cho biết địa điểm cụ thể để đón. 

 Xe kinh doanh vận chuyển hành khách trái phép đón trả khách ở đường Hùng Vương (TP Bắc Giang).

Xe kinh doanh vận chuyển hành khách trái phép đón trả khách ở đường Hùng Vương (TP Bắc Giang).

Đúng hẹn, một chiếc xe bán tải đỗ trước cửa và nhanh chóng đưa tôi đến khu vực cổng chính Công viên Hoàng Hoa Thám trên đường Hùng Vương. Thì ra chiếc xe bán tải chỉ làm nhiệm vụ “tăng bo” khách và hàng hóa đến “bến cóc”, còn việc đưa khách ra Hà Nội là của những chiếc xe 7 chỗ trông khá mới.

Sau khi đã sắp xếp chỗ ngồi và đồ đạc cho khách, cậu lái xe tên H quay lại đề nghị mọi người đưa tiền, trung bình 100 nghìn đồng/người và không có vé. Trên đường đi, qua hỏi chuyện, tôi được biết những lái xe này chỉ đi làm thuê, hằng ngày nhận xe và giờ chạy do bộ phận tổng đài điều tiết. Mỗi ngày khoảng 3-4 chuyến từ Bắc Giang đi Hà Nội và ngược lại, dịp lễ Tết đông khách có thể phải tăng chuyến.

Điểm đỗ ở Hà Nội là số nhà 108 đường Yên Phụ hoặc số 36 phố Nguyễn Huy Tự, những điểm này cũng không phải là bến, mọi người xuống xe có thể đi tiếp bằng xe ôm, taxi, bus… Ngay sau đó, lái xe lại đón những người đang ngồi chờ sẵn để đưa về Bắc Giang.

Một dạng “lách luật” khác là các hội đi chung, đi ghép xe trên Facebook. Vào trang Facebook “Hội đi chung xe giá rẻ Bắc Giang”- nhóm công khai có hơn 5 nghìn thành viên, có thể dễ dàng tìm được những thông tin xe tìm người hoặc khách tìm xe từ Bắc Giang đi khắp nơi. Dù mang danh “giá rẻ”, “chỉ lấy tiền xăng” nhưng những khách đi loại xe này cũng phải trả bằng hoặc hơn giá xe tuyến cố định.

Kinh doanh trái phép

Với dàn xe hơn chục chiếc, hầu hết là loại 7 chỗ và hai xe bán tải, chỉ cần nhẩm tính sơ qua cũng thấy lượng khách vận chuyển của dịch vụ này không hề nhỏ. Ấy vậy nhưng loại hình này gần như không được quản lý vì họ không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, không có bến bãi, không bán vé mà thu tiền mặt trực tiếp, không phù hiệu… Các phương tiện được sử dụng dưới danh nghĩa xe gia đình.

Dịch vụ này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ dẫn đến ùn tắc giao thông do không đi theo luồng tuyến, bến bãi. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, hành khách không được giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng. Mặt khác tình trạng này cũng gây ra cạnh tranh không bình đẳng, lành mạnh với các doanh nghiệp đăng ký tuyến cố định.

Bộ Giao thông-Vận tải đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/NÐ-CP về quản lý vận tải. Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại một địa điểm cố định; mỗi xe trong tháng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ nhiều người thuê vận tải khác nhau....

Trao đổi với đại diện Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông-Vận tải) được biết, cơ quan chức năng đã nắm được tình trạng này.

Ở góc độ quản lý của ngành thì việc xuất hiện loại hình vận tải xe đi chung, xe đi ghép, xe đưa đón tận nhà đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới hoạt động vận tải của các tuyến xe khách cố định. 

Chỉ cần đầu tư xe loại 4 đến dưới 16 chỗ ngồi và đăng ký là xe tư nhân, xe gia đình rồi kết nối trên mạng xã hội, thậm chí thuê hẳn tổng đài là các xe cá nhân này đưa đón khách khắp trong tỉnh, không mất phí bến bãi, thuế kinh doanh... Thực chất, đây là hành vi núp bóng, lợi dụng kẽ hở quản lý để kinh doanh trái phép.

Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) nói: Việc xử lý loại hình vận tải này còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu các thông tin tìm xe, tìm khách được đăng trên mạng xã hội, pháp luật không cấm.

Các phương tiện hoạt động kiểu này chủ yếu là xe riêng, xe gia đình, không đăng ký kinh doanh nên rất khó quản lý. Thậm chí nếu có kiểm tra mà tài xế và hành khách thống nhất nói là người nhà, bạn bè, lực lượng cảnh sát giao thông không chứng minh được họ thỏa thuận, có thu tiền thì cũng không xử lý được.

Về hướng xử lý, Trung tá Ngô Văn Phục cho biết, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, không sử dụng dịch vụ này, tiếp tay cho hành vi sai trái, tạo cơ hội cho "xe dù, bến cóc" phát triển. 

Chính quyền các địa phương, cơ quan thuế kiểm tra, phối hợp với lực lượng công an để nắm chắc các trường hợp kinh doanh vận tải hành khách trái phép, nếu kinh doanh không nộp thuế thì truy thu thuế và đưa vào diện quản lý.

 

Theo: Quốc Phương (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan