Phục hồi thị trường vận tải trong nước, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Sáng ngày 25/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Cùng dự có các Thứ trưởng Bộ GTVT, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương.

Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang có các đồng chí: Trần Văn Tuấn - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Bùi Thế Sơn - Giám đốc Sở GTVT. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2021 Bộ GTVT đã ưu tiên dành thời lượng lớn trong chương trình công tác để xây dựng thể chế, tập trung tháo gỡ vướng mắc, chú trọng việc nâng cao chất lượng của văn bản cũng như tiến độ ban hành văn bản, bảo đảm điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ GTVT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 05/08 dự thảo Nghị định; ban hành 26 Thông tư theo thẩm quyền, hoàn thành rà soát 82 văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành 04 đề án phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực GTVT; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04/05 quy hoạch chuyên ngành quốc gia về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa. Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các dự án, đặc biệt đối với các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm của ngành. Dự kiến đến hết tháng 01/2022, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiếu 96% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GTVT cũng đã sớm mở “luồng xanh” cho vận tải hàng hóa, đảm bảo thông suốt, an toàn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế ở mức cao nhất. Cùng đó, công tác bảo đảm trật tự ATGT tiếp tục có nhiều cải thiện, tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu cả 03 tiêu chí so với năm 2020. Tính chung trong 11 tháng năm 2021, toàn quốc xảy ra 10.137 vụ, làm chết 5.111 người, bị thương 7.059 người. So với cùng kỳ 2020, giảm 3.329 vụ (-24,72%), giảm 1.104 người chết (-17,76%), giảm 2.950 người bị thương (-29,47%).

Để chủ động phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân, Bộ cũng đã xây dựng, ban hành Kế hoạch vận tải, bảo đảm trật tự ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022.

Trên cơ sở phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2021, tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và đại diện lãnh đạo các địa phương đã trao đổi, thảo luận thống nhất các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của ngành GTVT trong năm 2022. Theo đó, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của ngành GTVT được xây dựng theo hướng dịch bệnh sớm được khống chế, tình hình kinh tế trong nước ngày càng khả quan so với các tháng đầu năm 2021.

Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực GTVT để phát triển nền kinh tế thị trường; hoạt động vận tải ổn định, thông suốt, kịp thời, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Phấn đấu giải ngân 96% kế hoạch năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao; bảo đảm trật tự ATGT, tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2021.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bộ GTVT (Ảnh chụp màn hình trực tuyến)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT nói chung, Bộ GTVT nói riêng đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành GTVT vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Trong đó còn một số công trình chưa đạt chất lượng như mong muốn, còn thiếu sự kết nối đồng bộ các phương thức vận tải; tiến độ thi công một số dự án còn chậm, chất lượng một số văn bản chuyên ngành GTVT chưa được ổn định lâu dài trong thực tiễn; vẫn cỏn những nội dung vướng mắc của các băn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đất đai...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu thời gian tới  Bộ GTVT cần tiếp tục tập trung hoàn thành Đề án và triển khai phương án phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực GTVT. Bên cạnh đó, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức thực hiện, tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật. Rà soát các nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình dịch Covid-19 và bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia để triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, gắn với yêu cầu phục hồi thị trường vận tải trong nước, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở hàng quá tải trọng, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ, sử dụng các chất kích thích trong điều khiển phương tiện.

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn lại tại các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật. Chỉ đạo đấy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch yêu cầu, nhất là đối với các dự án trọng điểm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan; tiếp tục đấy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát./.

                                                                                                                                                           Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan