Mục tiêu, định hướng và khát vọng phát triển của Tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và những cố gắng, nỗ lực, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang

Như chúng ta đã biết, công tác quy hoạch, kế hoạch có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia nói chung và mỗi địa phương nói riêng để định hướng, tổ chức không gian, phát huy tiềm năng lợi thế, đồng thời huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các yếu tố, nguồn lực cho phát triển. Thực tế trong thời gian qua, nhiệm vụ này đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các quy hoạch, kế hoạch được ban hành và tổ chức quản lý thực hiện hiệu quả đã góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trước khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu được thực hiện theo nhiều quy định của pháp luật có liên quan; quy hoạch nhiều bất cập, chất lượng hạn chế, thiếu gắn kết, đặc biệt là khi xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu, định hướng phát triển, chưa chú trọng việc tổ chức không gian lãnh thổ. Quy hoạch ngành thiếu tính tổng thể, xem nhẹ việc gắn kết ngành và lãnh thổ. Quy hoạch xây dựng vùng chủ yếu thiên về tính kỹ thuật, thiếu cơ sở để xác định động lực cho sự phát triển. Quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện phân vùng chức năng sử dụng đất theo không gian mà mới chỉ chú ý đến việc phân bổ các chỉ tiêu loại đất, thiếu sự gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng vùng. Chính vì vậy, trên cùng một lãnh thổ, cả bốn quy hoạch này không liên kết, khớp nối với nhau.

Công tác quản lý quy hoạch, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cũng chưa được quy định rõ ràng, chế tài xử phạt các vi phạm trong công tác quy hoạch chưa nghiêm, dẫn đến tính trạng thực hiện không theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến còn tình trạng “quy hoạch treo”, gây lãng phí nguồn lực phát triển.

Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành và có hiệu lực đã tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất trong công tác xây dựng, thực hiện và quản lý quy hoạch.

Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên cả nước tiến hành xây dựng các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, nên trong quá trình triển khai thực hiện có rất nhiều khó khăn, vướng mắc (từ hệ thống các văn bản hướng dẫn, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt, kinh nghiệm triển khai thực hiện…)

Lường trước được những khó khăn, vướng mắc đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và Bộ kế hoạch ban hành Thông tư 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 Hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch, Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan triển khai các bước lập Nhiệm vụ lập quy hoạch và Tỉnh Bắc Giang là tỉnh thứ tư của cả nước (sau thành phố Đà Nẵng và các tỉnh: Thanh Hóa, Lào Cai) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tại Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 20/01/2020.

Trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, tỉnh đã ban hành ngay Kế hoạch để triển khai lập quy hoạch, trong đó đã phân công nhiệm vụ, thời gian thực hiện cho các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động triển khai thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ đề ra theo lĩnh vực quản lý.

Việc phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng gắn với thời gian hoàn thành cho các sở, ngành, các huyện, thành phố trong quá trình lập quy hoạch. Việc này để tránh tính trạng “phó mặc” cho đơn vị tư vấn trong xây dựng quy hoạch; đơn vị tư vấn có vai trò đề xuất ý tưởng, khớp nối các nội dung đề xuất, phối hợp với cơ quan lập quy hoạch để rà soát, đánh giá các ý tưởng phát triển, xác định các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý.

Đồng thời, cơ quan lập quy hoạch đã thành lập một bộ phận có thể nói là “chuyên trách” cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng quy hoạch tỉnh với thành phần là các cán bộ, công chức có năng lực, kinh nghiệm của các sở, ngành để thực hiện các nội dung của quy hoạch tỉnh.

Tỉnh xác định quan điểm trong quá trình lập quy hoạch là “ý tưởng từ trên xuống, cụ thể từ dưới lên”, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến cấp tỉnh, việc này để đảm bảo rằng, trong quá trình xây dựng quy hoạch, có sự tham gia rất chặt chẽ của cấp cơ sở (bởi đây chính là cấp trực tiếp chịu sự tác động của quy hoạch sau khi được phê duyệt) và cũng là nhằm mục tiêu quy hoạch đảm bảo tính khả thi và sẽ được thực hiện đúng trong thực tế.

Tỉnh đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh (nhiệm vụ Lập Quy hoạch tỉnh được coi là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm). Trong quá trình thực hiện, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh trực tiếp nghe và cho ý kiến vào từng phương án phát triển các ngành, lĩnh vực trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên công tác lập quy hoạch cơ bản đảm bảo tiến độ.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Tỉnh đã tích cực, chủ động xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh giáp ranh, các tỉnh trong vùng theo quy định.

Chính nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực, sáng tạo, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang là quy hoạch tỉnh đầu tiên của cả nước được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định và thông qua ngày 22/3/2021 và cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 theo Luật Quy hoạch.

Để hoàn thành được bản quy hoạch tỉnh, đã có sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh. Quá trình xây dựng quy hoạch, mặc dù vẫn còn một số tồn tại cần phải rút kinh nghiệm, song là sự nỗ lực, cố gắng của Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện); Sở Tài Nguyên và Môi trường, các sở, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quan điểm cốt lõi trong phát triển của tỉnh trong thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến năm 2050 là:

“Phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng; Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu xuyên suốt, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tổ chức, bố trí không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội hợp lý; Phát huy tiềm năng, lợi thế; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển đặt ra. Thực hiện đầu tư có trọng điểm gắn với cơ cấu nền kinh tế, tập trung tăng trưởng theo chiều sâu, tạo ra động lực mới cho phát triển; Phát huy tối đa nhân tố con người để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Với quan điểm đó, quy hoạch đã xác định mục tiêu đến năm 2030 của tỉnh là:

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc. Đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Đây là mục tiêu mà để đạt được, cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên thành các phương án phát triển, Quy hoạch đã xác định các không gian phát triển kinh tế xã hội theo vùng dựa vào vị trí địa lý và lợi thế, tiềm năng, khả năng liên kết phát triển.

Vùng kinh tế trọng điểm gọi là vùng Tây Nam của tỉnh trong đó lấy thành phố Bắc Giang là trung tâm vùng, có vai trò động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế trong tỉnh, trung tâm kinh tế của khu vực phía Bắc; là đô thị phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực.

Vùng phía Đông, lấy thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn là trung tâm vùng. Đây sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng miền núi phía Đông tỉnh Bắc Giang, phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: Công nghiệp - Dịch vụ - Nông, lâm nghiệp; phát triển đô thị gắn với các đô thị động lực của tỉnh; là đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Đông và của tỉnh.

Vùng phía Bắc, lấy thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang là trung tâm vùng. Vùng này có tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng miền núi phía Bắc tỉnh Bắc Giang vùng này sẽ tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch lịch sử văn hóa; là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ kết nối phía Bắc của tỉnh.

Một điểm mới trong tổ chức không gian Quy hoạch tỉnh, tỉnh Bắc Giang đã xác định 10 cửa ngõ chính kết nối với tỉnh dựa trên việc bố trí không gian, kết nối giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh, các cửa khẩu, sân bay, cảng biển. Đây sẽ là các khác khu vực được tập trung quy hoạch, đầu tư các trục giao thông chính, các khu dịch vụ tổng hợp, vận tải, kho bãi, logistic để tận dụng và phát huy lợi thế của tỉnh.

Với việc xác định công nghiệp, dịch vụ là động lực chính cho phát triển, tỉnh đã quy hoạch 29 KCN với diện tích khoảng 7.000ha, 63 CCN với diện tích khoảng 3.000ha. Việc phát triển công nghiệp được bố trí gắn với phát triển các khu đô thị, dịch vụ.

Trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, Tỉnh sẽ hình thành và phát triển các khu du lịch quốc gia, tập trung đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng với nhiều sản phẩm, trong đó, xác định 3 khu du lịch xây dựng hướng tới trở thành khu du lịch cấp quốc gia, 4 khu du lịch cấp tỉnh, các khu du lịch đều được định hướng phát triển đa dạng với các loại hình dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu của các chuyên gia nước ngoài làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận và khách du lịch.

Một điểm nhấn trong Quy hoạch tỉnh Bắc Giang có sự đột phá trong phát triển mạng lưới giao thông, để đảm bảo kết nối đồng bộ, thuận lợi trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, bến cảng, sân bay, cửa khẩu, các trung tâm phát triển của cả nước.

Với quan điểm phát triển toàn diện, bao trùm, bền vững, trong Quy hoạch tỉnh đã chú trọng đến các hạ tầng văn hóa xã hội, đặc biệt là đã quy hoạch các khu vực để thu hút đầu tư phát triển mạng lới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh đã xác định rõ mục tiêu về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Để các mục tiêu đã được xác định trong quy hoạch trở thành hiện thực, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, trong đó, trước mắt cần tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung thực hiện 03 khâu đột phá đã được xác định trong quy hoạch là: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính; (2) Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng; (3) Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

2. Hoàn thành xây dựng kế hoạch sử dụng đất 05 năm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện. Rà soát toàn bộ các quy hoạch trên địa bàn tỉnh để thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh; trước mắt là rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch theo quy định, để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư biết vừa để thu hút đầu tư, vừa để giám sát quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

3. Các sở, ngành, địa phương thực hiện ngay việc rà soát các kế hoạch, đề án, chương trình phát triển để đề xuất việc điều chỉnh cho phù hợp với các mục tiêu, định phương, phương án phát triển được xác định trong Quy hoạch tỉnh.

Trên cơ sở các nội dung của Quy hoạch và Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó, cần phải xác định rõ lộ bước đi, lộ trình thực hiện cụ thể. Đồng thời, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện, đặc biệt là các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực.

Để đạt được các mục tiêu của quy hoạch, cần phải có nguồn lực rất lớn, đặc biệt là nguồn lực về vốn (khoảng 1,5 triệu tỷ đồng). Do vậy, các cấp, các ngành cần phải tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để có thể huy động được tối đa các nguồn lực trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là cải cách hành chính, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải chủ động phối hợp với các ngành, địa phương định kỳ đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch. Trường hợp cần thiết, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Với các mục tiêu, định hướng và khát vọng phát triển của Tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những cố gắng, nỗ lực, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đưa Bắc Giang phát triển toàn diện, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá và ngày càng có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước./.

(Có hồ sơ tài liệu theo quy định kèm theo để đăng tải) 

Xem chi tiết nội dung quy hoạch tại đây

Hoặc qua mã QR 

Nguồn: www.bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan