Đón cơ hội từ CPTPP

(BGĐT) - Sau khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực thi hành, để chủ động nắm bắt những cơ hội do Hiệp định mang lại,  nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tích cực đổi mới, sáng tạo, có kế hoạch xây dựng năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm.

Tiếp tục đầu tư, mở rộng nhà xưởng

Ngay khi Hiệp định CPTPP được ký kết, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG đã xây dựng thêm 2 xưởng sản xuất tại xã Phi Mô và Nghĩa Hòa (Lạng Giang). Ông Nguyễn Hữu Phải, Chủ tịch HĐQT Công ty thông tin: “Chúng tôi đã đầu tư dây chuyền may hiện đại, ứng dụng các loại máy cắt, may tự động, theo công nghệ 4.0. Hiện, các công đoạn xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc đã cơ bản hoàn thành, Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2 nghìn lao động, đi vào hoạt động từ cuối quý I-2019". 

  Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang).

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang).

Tương tự, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang) cũng có kế hoạch mở rộng xưởng sản xuất tại xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) và phường Xương Giang (TP Bắc Giang), đồng thời, tuyển dụng thêm 2 nghìn lao động đáp ứng đơn hàng mới.

Với phương châm mỗi xã có một xưởng may, đưa dây chuyền đến tận tay người lao động, Công ty cổ phần May Tín Hưng (TP Bắc Giang) đang đầu tư hàng chục tỷ đồng, đưa 10 xưởng may tại TP Bắc Giang, Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế và Lục Nam vào hoạt động, sử dụng hơn 1 nghìn công nhân. 

Ông Trương Viết Công, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, việc thuê lại địa điểm sản xuất của các đơn vị khác, chia nhỏ dây chuyền tại các vùng nông thôn sẽ giúp Công ty tiết kiệm thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, xưởng may được xây dựng ở khu vực này còn giúp thu hút, cạnh tranh lao động tại chỗ, DN sớm ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu các đơn hàng.

Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 75 dự án; cấp điều chỉnh gần 150 dự án. Các dự án cấp mới và điều chỉnh chủ yếu thuộc các ngành may mặc, công nghiệp phụ trợ, những ngành được hưởng lợi từ việc giảm thuế xuất, nhập khẩu. Đây được coi là điểm thuận lợi, đón đầu những cơ hội mới từ Hiệp định mang lại.

 

Hội nhập sâu rộng

Không chỉ đầu tư, mở rộng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, các DN còn chú trọng chăm lo đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG) chia sẻ, trước khi ký hợp đồng cung cấp đơn hàng, các DN đối tác đều yêu cầu bên thứ ba độc lập đánh giá năng lực nhà máy. 

Trong đó, tiêu chí môi trường làm việc và quyền lợi của người lao động luôn là cơ sở quan trọng. Để đáp ứng, Công ty đã tích cực đầu tư, cải thiện môi trường làm việc. Ngoài ra, Công ty còn phát động phong trào thi đua lao động sản xuất trong năm với phần thưởng gồm các phần quà có giá trị, tạo môi trường lao động hăng say, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Hiệp định CPTPP là cú hích lớn, làm thay đổi thể chế, chính sách, phá bỏ hàng rào thuế quan, giúp thay đổi hệ thống pháp luật cho phù hợp với xu hướng phát triển chung của các nước. Để chủ động đón bắt cơ hội, mở rộng tiêu thụ sản phẩm đến các thị trường mới, các DN cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. 

“Nhằm giúp các DN may mặc phát huy lợi thế, hội nhập sâu rộng khi tham gia CPTPP, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang đánh giá, xem xét lựa chọn một số DN đầu tư tiềm năng phát triển ngành dệt, nhuộm; sản xuất linh, phụ kiện may mặc trên địa bàn tỉnh. Các dự án sẽ cung ứng sản phẩm đầu vào, giúp các DN hưởng lợi, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm”, ông Nguyễn Cường nói.

 

                                                                                                                                                    Nguồn: Báo Bắc Giang Điện Tử

Các tin liên quan