Kết nối doanh nghiệp và ngân hàng cần xây dựng lòng tin

(Chinhphu.vn) – Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp diễn ra tại Hà Nội ngày 16/4 do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đồng chủ trì với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp khu vực phía Bắc.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong năm lĩnh vực ưu tiên, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho vay, quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực này thấp hơn từ 1% - 1,5%/năm so với các lĩnh vực thông thường khác…

Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018.

Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 3/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đã đạt khoảng 3.181.158 tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.919.546 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018, trong đó, dư nợ cho vay DNNVV đạt 308.344 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đạt 523.260 tỷ đồng.

Tuy vậy, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn còn các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Đại diện các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết, điểm khó là khả năng tài chính của các của các doanh nghiệp bị hạn chế, đặc biệt là vấn đề tài sản bảo đảm không hợp pháp, hoặc không đủ uy tín vay tín chấp, thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi để các ngân hàng cho vay.

Các doanh nghiệp đối thoại tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng

“Về phía mình, các Hiệp hội có thể tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục, gồm cả tài sản thế chấp để đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng cần thay đổi tư duy, coi khách hàng là đối tượng phục vụ, nhân viên cần lăn lộn đồng hành chia sẻ với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Thân nói.

Để tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị trong thời gian tới, các Vụ, Cục của NHNN cùng với ngành ngân hàng cần tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị Quyết 02/NQ-CP (ngày 01/01/2019) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019.

Các ngân hàng cần lưu ý đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD; duy trì và nâng cao chỉ số hoạt động thông tin tín dụng cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng nói riêng, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Với các ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Đào Minh Tú để nghị cần triển khai mạnh tín dụng có định hướng các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Cần tăng cường phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tại địa phương để cho vay các DNNVV.

Cần chủ động cân đối khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay trong khuôn khổ của chương trình nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng…Cần bám sát chỉ đạo của NHNN Việt Nam về lãi suất; không được thu các loại phí liên quan đến khoản vay, trừ một số khoản phí được phép theo quy định của pháp luật.

Các ngân hàng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng đối tượng khách hàng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân, hạn chế tín dụng đen.  Với đối tác, cần linh hoạt xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp khi gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, chưa thể trả được nợ đúng hạn theo quy định.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Các Hiệp hội DNNVV, Hiệp hội ngành nghề tích cực thông tin đến các doanh nghiệp thành viên về các chính sách của nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò là cầu nối cho các doanh nghiệp tiếp cận với các TCTD.

NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV.

Đại diện ngân hàng thương mại, ông Quách Hùng Hiệp, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, quy định cho vay hiện tại còn chưa linh hoạt về hồ sơ cấp tín dụng với trường hợp rủi ro thấp như bảo đảm tài sản bằng tiền gửi do chính ngân hàng phát hành, nên việc cắt giảm thủ tục này gặp khó.  Hơn nữa, cần khẩn trương bắt kịp xu hướng triển khai các sản phẩm tín dụng hàm lượng công nghệ cao, tiếp nhận phê duyệt hồ sơ trực tuyến, đẩy nhanh quy trình cấp tín dụng. Nhưng trước tiên, về khuôn khổ pháp lý cần sửa quy trình tín dụng linh hoạt hơn phù hợp với công nghệ mới.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp gặp khó nhưng các ngân hàng cũng đỏ mắt tìm các dự án khả thi và vẫn phải bảo đảm an toàn vốn. Các ngân hàng và doanh nghiệp cần tiến đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Cần nâng cao năng lực cán bộ thẩm định, tăng cường các hoạt động cho vay tín chấp với doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực xây dựng, thuyết trình khả thi các dự án đầu tư.

“Về phía UBND, chúng tôi sẽ chỉ đạo các Sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để có tài sản  bảo đảm cho DN thời gian ngắn nhất, cơ quan thi thành án dân sự đẩy nhanh tiến độ thi hành án, hỗ trợ các TCTD xử lý tồn đọng”, ông Nguyễn Doãn Toán nói.

Chuỗi hội nghị kết nối ngân hàng doanh nghiệp được triển khai trong tháng 4, tháng 5/2019 tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

                                                         Theo: Huy Thắng (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Các tin liên quan