Để trồng rừng kinh tế hiệu quả

(BGĐT) - Trồng rừng và làm giàu từ rừng kinh tế là câu chuyện đã có từ nhiều năm ở Bắc Giang. Tuy vậy, đến nay vẫn có không ít chủ rừng chưa nắm được kỹ thuật thâm canh hiệu quả.

Gia đình ông Ban Văn Tạy, thôn Lái, xã An Bá (Sơn Động) có hơn 10 ha rừng kinh tế trồng và khai thác luân phiên. Năm nay, gia đình ông trồng mới 2 ha. Do thổ nhưỡng vùng này không hợp với bạch đàn nên vụ này ông vẫn chọn keo lai để trồng, với mật độ từ 1,8-2 nghìn cây/ha; tương ứng với mỗi cây cách nhau chỉ hơn 1m. 

Rừng bạch đàn của gia đình ông Nguyễn Văn Bắc, xã Canh Nậu (Yên Thế) phát triển tốt nhờ trồng đúng kỹ thuật.

      Rừng bạch đàn của gia đình ông Nguyễn Văn Bắc, xã Canh Nậu (Yên Thế) phát triển tốt nhờ trồng đúng kỹ thuật.

Quan sát những vạt keo 2 năm tuổi của gia đình ông Tạy, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy nhiều cây keo chỉ to bằng bắp tay, cao trung bình khoảng 4- 6 m. Nhiều cây còi cọc, không được tỉa thưa. Năm ngoái, gia đình ông bán 2 ha keo hơn 4 năm tuổi chỉ thu được 110 triệu đồng/ha, thấp hơn nhiều so với một số hộ khác.“Do bán vo cho thương lái nên tôi không biết rừng đạt bao nhiêu m3/ha” - ông Tạy phân trần.

Tìm hiểu thực tế, nhiều hộ dân ở xã An Bá đều canh tác như hộ ông Tạy. Anh Triệu Anh Tuấn, cán bộ kỹ thuật, Hạt Kiểm lâm Sơn Động cho biết, đã nhiều lần xuống vận động và khuyến cáo người dân nhưng vẫn không có chuyển biến.

Không như người dân An Bá, các chủ rừng tại huyện Yên Thế chỉ trồng từ 1,3 đến 1,6 nghìn cây/ha (kể cả keo lai và bạch đàn), tương ứng với cây cách cây từ 2,5 đến 3m. Ông Nguyễn Văn Thành, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Yên Thế chia sẻ, để người trồng rừng canh tác theo cách này, các cán bộ của Hạt cùng kỹ sư của Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Yên Thế đã trải qua nhiều năm vận động, hướng dẫn các chủ rừng. 

Thậm chí Công ty còn trồng nhiều cánh rừng mẫu để bà con học tập. Thực tế qua các chu kỳ khai thác, rừng trồng tại Yên Thế cho từ 130 đến 170 m3/ha (với cùng chu kỳ 4 năm); đạt giá trị từ 130 đến 160 triệu đồng/ha. Ông Đào Văn Bắc, thôn Đống Cao, xã Canh Nậu (Yên Thế) nói: “Trồng rừng theo hướng dẫn của cán bộ Hạt Kiểm lâm Yên Thế, gia đình tôi giảm gần 5 triệu đồng/ha tiền đầu tư cây giống, phân bón, công trồng, chăm sóc trong khi thu nhập lại cao hơn”.

Đang bước vào mùa trồng rừng, thiết nghĩ không chỉ các chủ rừng ở xã An Bá mà các hộ trồng rừng nói chung cần tuân thủ quy trình. Bên cạnh đó, những người làm công tác phát triển lâm nghiệp nên sát sao, hướng dẫn người dân làm đúng kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị đất lâm nghiệp.

 

                                                                                                                                         Theo: Đại La (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan