Chấn chỉnh vi phạm ở các dự án thuê đất tại Bắc Giang

(BGĐT)- Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, những năm qua, tỉnh Bắc Giang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) thuê đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng đến nay, nhiều  nhà đầu tư sau khi thuê đất đã chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Bỏ đất trống sau khi thuê

Tháng 6-2016, Công ty cổ phần May PIGACO, trụ sở khu Vòng Xẻ, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án: Chế biến hàng nông sản và thực phẩm tại khu Vòng Xẻ trên diện tích đất được thuê từ việc mua lại tài sản phát mại hơn 1,1 nghìn m2 đất. Trong đó nêu rõ, từ cuối năm 2016 đến tháng 11-2017, DN phải xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình trên diện tích đất được thuê và đi vào hoạt động từ tháng 12 -2017. Thế nhưng, hơn một năm nay, Công ty này vẫn không đầu tư xây dựng hay sửa chữa bất cứ hạng mục công trình nào. Khi đến đây, phóng viên chứng kiến cổng vào của khu đất này được khóa kín, ổ khóa đã hoen gỉ. Trước khu nhà xưởng cũ kỹ, cỏ mọc um tùm, không có bóng người.

Sau nhiều năm thuê đất, Công ty cổ phần May PIGACO vẫn không sử dụng. 

                    Sau nhiều năm thuê đất, Công ty cổ phần May PIGACO vẫn không sử dụng. 

Tương tự, vào năm 2007, Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam được thuê 3 nghìn m2 đất thực hiện dự án xây dựng tổ hợp khách sạn Hà Nội Prince và tòa nhà đa năng tại đường Xương Giang (TP Bắc Giang) nhưng nhiều năm qua nhà đầu tư vẫn để dự án “đắp chiếu”.

Ở huyện Lục Nam, Công ty cổ phần Môi trường 27-7 được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại thôn Thân, thị trấn Đồi Ngô trên diện tích đất được thuê hơn 18 nghìn m2 vào năm 2007. Theo ông Nguyễn Trung Lượng, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở đã nhiều lần kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư xây dựng công trình, đưa đất vào sử dụng song DN này vẫn “án binh bất động”.

Tình trạng nhà đầu tư được thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng còn xảy ra ở huyện Tân Yên với 7 dự án lớn, diện tích hàng chục nghìn m2. Đơn cử như dự án sản xuất gạch không nung công nghệ sạch bảo vệ môi trường tại thôn Việt Hùng, xã Việt Ngọc của Công ty TNHH một thành viên Mai Luận. Từ khi được UBND tỉnh cho thuê hơn 29 nghìn m2 đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013, đến nay DN này vẫn chưa thực hiện bất cứ thủ tục gì liên quan đến dự án.

Theo kết quả rà soát sơ bộ của các Sở KH&ĐT, TN&MT, đến nay toàn tỉnh có 15 DN chậm đưa đất vào sử dụng sau khi được thuê, tập trung ở các huyện: Yên Dũng, Việt Yên, Lục Nam, Tân Yên và TP Bắc Giang.

Cần xử lý dứt điểm

Để xảy ra tình trạng trên có rất nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là vì DN thiếu năng lực tài chính. Cũng như ý kiến của nhiều DN khác, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Môi trường 27-7 cho rằng, mặc dù đã được thuê đất trong nhiều năm qua nhưng đơn vị đã không huy động được vốn cũng như lựa chọn công nghệ để xây dựng nhà máy xử lý rác. Còn theo ông Đỗ Xuân Lợi, Giám đốc Công ty cổ phần May PIGACO thì DN được chấp thuận đầu tư dự án chế biến hàng nông sản và thực phẩm trên diện tích đất thuê tại khu Vòng Xẻ, phường Đa Mai nhưng do trước đây đơn vị không chuyên hoạt động trong lĩnh vực này, gặp khó khăn về thị trường đầu ra nên sau khi thuê đất đành bỏ không. Đó là chưa kể, cá biệt có trường hợp lập dự án để giữ đất chứ không đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho DN song không hoạt động, Sở KH&ĐT cần thẩm tra kỹ năng lực của chủ đầu tư, kiểm soát tốt việc cấp phép dự án ngay từ đầu. Như vậy sẽ hạn chế việc lãng phí đất đai, thất thoát ngân sách và không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của tỉnh.

Để quản lý chặt chẽ đất đai sau khi cho DN thuê, ngày 12-3 UBND tỉnh đã ban hành văn bản giao nhiệm vụ cho các sở liên quan để triển khai các giải pháp xử lý đối với những DN chậm sử dụng đất. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT tập trung thanh tra tình hình sử dụng đất đã cho thuê và đề nghị giải pháp xử lý cụ thể đối với 5 DN đã chậm sử dụng đất kéo dài hàng chục năm qua như: Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vinh Phát; Công ty TNHH một thành viên Mai Luận; Công ty cổ phần Môi trường 27-7; Công ty cổ phần Thép Hà Nội thực hiện các dự án ở các huyện Lục Nam, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Sở KH&ĐT xem xét lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của các dự án không hiệu quả.Thực tế, sai phạm của các DN trong thuê đất, chậm đầu tư diễn ra nhiều song kết quả thanh tra, kiểm tra của các huyện, TP, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT còn khá “khiêm tốn”, việc xử lý còn hạn chế, chưa dứt điểm. Vì vậy chưa tham mưu kịp thời với UBND tỉnh xử lý, thu hồi đất đối với các dự án quá hạn. Minh chứng là có dự án chậm đầu tư hàng chục năm mà vẫn không bị thu hồi.

Ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, sau khi thanh tra, Sở xem xét xử phạt đối với các nhà đầu tư chậm sử dụng đất; đề nghị tỉnh thu hồi đất đối với nhà đầu tư không còn đủ năng lực tài chính, tránh lãng phí tài nguyên.

 

                                                                                                                                Theo: Nhóm PVKT (Báo Bắc Giang Điện Tử)

Các tin liên quan