Quản trị xanh khơi dòng vốn xanh

Quản trị doanh nghiệp được đánh giá là “đơn vị tiền tệ quốc tế” thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư có trách nhiệm, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trao đổi với DĐDN, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết: Đánh giá doanh nghiệp không chỉ dựa trên chỉ số tài chính mà được xem xét trên cả khung quản trị tích hợp ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), chiến lược phát triển bền vững…

- Thưa bà, đâu là những giá trị thực tiễn của quản trị xanh đối với doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp niêm yết và thị trường vốn?

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang…, quản trị xanh luôn gắn liền với quản trị rủi ro. Thực hiện quản trị xanh, doanh nghiệp diện tốt hơn quản trị rủi ro. Trước đây, doanh nghiệp đề cập nhiều quản trị rủi ro về tài chính, về đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Ngoài những quản trị rủi ro trên, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn quản trị rủi ro về biến đổi khí hậu. Khi quản trị xanh tính đến những tác động nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính, kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp không chỉ tăng cường tốt hơn khả năng chống chịu, hoạt động hiệu quả hơn mà còn tiếp cận kênh dẫn vốn xanh có ưu đãi hơn về lãi suất, ân hạn hơn về thời gian cho vay.

Bên cạnh những lợi nhuận về tài chính có thể đong đếm được, quản trị xanh còn tạo ra lợi nhuận phi tài chính là danh tiếng và thương hiệu cho doanh nghiệp. Mới đây, trong số 200 doanh nghiệp thuộc danh sách “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN” trong giải thưởng Thẻ điểm quản trị công ty khối ASEAN (ACGS), Việt Nam chỉ có một đại diện. Doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có mặt trong danh sách này không phải vì quy mô vốn hóa lớn mà nhờ thẻ điểm quản trị, được đánh giá như một “đơn vị tiền tệ quốc tế” - nơi giá trị doanh nghiệp được đánh giá bởi các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế. Khi mỗi doanh nghiệp được cải thiện tốt hơn sẽ trở thành hạt nhân góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, hướng đến phát triển bền vững để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

- Bà đánh giá như thế nào về sự chuyển động của doanh nghiệp Việt hướng đến quản trị xanh, đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế?

Quản trị xanh đang mang đến cơ hội đầu tư mới để bổ sung ngành nghề mới, sản phẩm dịch vụ mới cho doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi nhận được đề nghị tư vấn thay đổi chiến lược của một số doanh nghiệp trong các ngành sản xuất truyền thống, như dệt may, da giày… Đứng trước nguy cơ chịu tác động bởi yêu cầu về sản phẩm xanh đến từ thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, các doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến việc thay đổi hoặc mở rộng thêm các dòng sản phẩm khác hẳn với sản phẩm truyền thống như dệt may, nông nghiệp cao.

Về lâu dài, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần chuyển đổi theo hướng bền vững, thay đổi tư duy để lớn hơn về quy mô vốn, mở rộng hơn về thị trường, dịch vụ, sản phẩm. Điểm đến của tài chính xanh hướng đến các doanh nghiệp có mô hình đổi mới theo hướng bền vững với dự án ít gây tác động đến môi trường. Hiện nay, một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiếp cận nguồn vốn xanh, nhưng quan trọng hơn, doanh nghiệp cần chứng minh, cam kết quản trị hiệu quả nguồn vốn đó, góp phần tạo tác động đến môi trường xã hội.

 Diễn đàn thường niên (AF6) năm 2023 với chủ đề

Diễn đàn thường niên (AF6) năm 2023 với chủ đề "Khơi nguồn tài chính xanh và quản trị xanh”

- Thực hiện chuyển đổi xanh đòi hỏi doanh nghiệp cần có nguồn lực lớn, song thực tế, doanh nghiệp không dễ tiếp cận vốn xanh. Theo bà, những thách thức khi thúc đẩy tài chính xanh và quản trị xanh ở Việt Nam là gì?

Tăng trưởng xanh gắn với tài chính xanh là nội dung mới ở thị trường Việt Nam trên cả 3 khía cạnh: những người làm chính sách, các công ty niêm yết và các định chế tài chính (quỹ đầu tư, ngân hàng).

Thứ nhất, NHNN chưa có hướng dẫn khung về tín dụng xanh cho các dự án tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại dựa trên chức năng, phạm vi và nguồn lực huy động có thể cấp vốn ưu đãi.

Thứ hai, chưa có hướng dẫn của UBCK hay Sở GDCK Hà Nội về cách thức dẫn vốn của quỹ đầu tư xanh.

Thứ ba, các thành viên HĐQT, ngoài nhiệm vụ thường xuyên bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, các cổ đông, còn phải đưa ra chiến lược quản trị bền vững, trong đó cam kết giảm phác thải khí nhà kính, tham gia chuỗi kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng xanh trong điều kiện có thể… Những yêu cầu này đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp có chuyển biến nhất định để hàng hoá, sản phẩm phải có tính xã hội, thể hiện chi phí của tính tác động xã hội, môi trường. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là định nghĩa dự án chuyển đổi xanh, trong đó, doanh nghiệp gặp khó trong việc trình bày các tác động của dự án chuyển đổi xanh. Do đó, rất cần có hướng dẫn chung của cơ quan quản lý để các NHTM cho phép tiếp cận tín dụng xanh một cách mở hơn, nhất là trong thời gian tới, một số yêu cầu, quy định có hiệu lực như yêu cầu trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng tạo tiền đề để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi hướng tới quản trị xanh, dẫn dắt tiếp cận nguồn vốn xanh.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin liên quan