Những lĩnh vực nào có lợi thế thu hút vốn xanh?

Theo quy luật, phát triển kinh tế càng nhanh thì phát thải càng tăng. Việc tìm kiếm mô hình tăng trưởng nhanh, phát thải ít thực chất là đổi mới mô hình kinh tế.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Nguyễn Bá Hùng cho biết, các nghiên cứu đã cho thấy tác động của rủi ro khí hậu dự kiến sau năm 2040 sẽ cao hơn nhiều lần so với mức được ghi nhận hiện nay. Những tác động này chỉ có thể được giảm thiểu bằng cách đầu tư vào các hoạt động thích ứng với khí hậu.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ảnh: H.L)

Theo quy luật, phát triển kinh tế càng nhanh thì phát thải càng tăng. Yêu cầu đặt ra là cần tìm kiếm mô hình tăng trưởng nhanh, phác thải ít; thực chất là đổi mới mô hình kinh tế. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang tìm kiếm mô hình kinh tế trên. Đây chính là tiền đề cho việc khuyến khích tạo nguồn tín dụng xanh, đầu tư xanh.

Về tổng thể, phát triển tín dụng xanh cần đặt trong bối cảnh phát triển thị trường tài chính và thị trường vốn nói chung, đồng thời với sự phát triển của nền kinh tế xanh và bền vững. Theo đánh giá, những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến dài trên cả hai góc độ. Các giao dịch tài chính xanh đảm bảo yếu tố “tài chính” (năng lực hoàn trả) và “xanh” (độ tin cậy về lợi ích mang lại theo các tiêu chí xanh). Tuy nhiên, trong hai khía cạnh trên, yếu tố “xanh” còn rất mới.

“Khác với nền kinh tế thông thường, trong kinh tế xanh, nền tảng của hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng xanh có vai trò rất quan trọng bởi đây là cơ sở để biết được việc sử dụng nguồn vốn có đáp ứng được xanh hay không. Hiện nay, xu thế của toàn cầu là những nhà đầu tư có ý thức về môi trường, khí hậu đang có nhu cầu đưa dòng vốn của mình vào các hoạt động kinh tế xanh dù lợi nhuận họ nhận được có thể không cao” - ông Nguyễn Bá Hùng thông tin.

Để khơi dòng vốn xanh, những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hoàn thiện cơ chế và khuôn khổ pháp lý trong việc xác định các lĩnh vực, dự án được cấp tín dụng xanh, các tiêu chí đánh giá dự án xanh, các hình thức cấp tín dụng xanh, tạo cơ sở phát triển nguồn vốn và giải ngân tín dụng xanh.

Với những cam kết mạnh mẽ từ hội nghị COP26, theo ông Nguyễn Bá Hùng, các lĩnh vực ưu tiên và có lợi thế thu hút tín dụng xanh, trước hết là những ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào chiến lược phát triển xanh của Việt Nam. Đặc biệt trong việc giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường, đồng thời có khả năng tạo ra lợi nhuận như năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp xanh, du lịch xanh, giao thông đô thị và tiêu dùng bền vững.

Giao thông xanh

Giao thông đô thị là một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút vốn xanh tại Việt Nam trong thời gian tới

Bên cạnh những ngành kinh tế xanh có tiềm năng thương mại nói trên (khả năng lợi nhuận cao để thu hút được đầu tư tư nhân) còn có những ngành kinh tế xanh quan trọng khác nhưng tiềm năng sinh lợi thấp hơn và cần có chính sách hỗ trợ để có thể thu hút được các nguồn vốn xanh trên thị trường. Chẳng hạn, trong các ngành bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường… vốn là các hoạt động cấp bách và quan trọng với nền kinh tế xanh.

Tuy nhiên, các ngành hàng này cần có khuôn khổ chính sách hỗ trợ tốt hơn, từ cơ chế tính phí dịch vụ cân đối giữa lợi ích xã hội và bù đắp được chi phí đầu tư vận hành, đến các biện pháp hỗ trợ tài chính hay chia sẻ rủi ro đầu tư  để thu hút được đầu tư tư nhân quy mô lớn. Khi thị trường các ngành này sôi động, đây sẽ là cơ hội đáng kể để phát triển tài chính xanh.

Ngoài ra, các lĩnh vực có đóng góp gián tiếp như giáo dục và đào tạo, nghiên cứu và phát triển để nâng cao năng lực công nghệ và chất lượng lao động cho những ngành kinh tế xanh cũng cần được quan tâm. Tuỳ theo các tiêu chí phân loại, các nguồn tài chính cho hoạt động này có những lợi ích xã hội rõ ràng, có thể phát triển thị trường tài chính trách nhiệm và bền vững (responsible, sustainable finance), bên cạnh tài chính xanh.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin liên quan