Bắc Giang: Phấn đấu giải quyết việc làm cho 31.000 lao động

Ban Chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch triển khai chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong năm 2020.

Tăng cường thu hút các dự án đầu tư, góp phần giải quyết việc làm. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu năm 2020 toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 31.000 lao động, trong đó đưa 3.700 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho 28.500 người, trong đó Cao đẳng nghề 800 người, Trung cấp nghề 2.700 người, Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 25.000 người.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định cơ bản của Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động và thông tin thị trường lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp cho các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, định hướng và tư vấn về nghề nghiệp, chính sách đào tạo nghề và việc làm sau đào tạo đối với lao động trên địa bàn tỉnh.

Chủ động phối hợp cùng các Ban Chỉ đạo, các ngành, đoàn thể khác có liên quan của tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế trọng điểm nhằm giải quyết được nhiều việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp. Trong đó quan tâm chỉ đạo thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính để tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, đồng thời chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế; thu hút một số ngành, nghề về khu vực nông thôn để giải quyết việc làm tại chỗ.

Chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động theo quy định của Luật Việc làm. Đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên phổ biến cho người lao động về nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. Các huyện, thành phố nắm chắc thông tin hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tư vấn, tuyển chọn, thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động trái quy định pháp luật. Tiếp tục cải tiến các thủ tục cho vay vốn nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi đã có hợp đồng đi xuất khẩu lao động.

Đồng thời phát triển chương trình đào tạo nghề gắn với việc làm. Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đến năm 2020; Quyết định số 2128/QĐ-UBND ngày 28/12/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2017 - 2020.

Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu học nghề được phân chia cụ thể theo từng loại đối tượng, từng ngành nghề và cấp trình độ đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu thực tế đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; mở rộng ngành nghề, quy mô đào tạo; bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong tỉnh, trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao.

Các ngành, các cấp tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả đạt được của các dự án, chương trình hỗ trợ tạo việc làm đã và đang triển khai để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế; quan tâm thu hồi kịp thời vốn của các dự án cho vay tạo việc làm đã hết thời hạn để quay vòng cho các dự án mới. Triển khai việc cho vay vốn hỗ trợ việc làm theo hướng tập trung, có hiệu quả, vững chắc; khắc phục tình trạng chia bình quân, dàn trải; ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu hút lao động tại chỗ vào làm việc.

Tăng cường và nâng cao chất lượng, năng lực quản lý nhà nước về lao động việc làm. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước; thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp nhằm phát hiện và kịp thời đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực dạy nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, lao động và bảo hiểm xã hội.

Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Bắc Giang

Các tin liên quan