Thủ tướng đồng ý thí điểm Mobile Money

Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử, viễn thông có thể xin phép thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money từ ngày 9/3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm tiền di động (Mobile Money), tức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Thời gian thí điểm trong 2 năm, tính từ hôm nay (9/3).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Việc cho phép thí điểm Mobile Money nhằm mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Đối tượng được phép tham gia thí điểm tiền di động là các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và nhà mạng viễn thông.

Theo quyết định, các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến khách hàng có chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký thuê bao di động và được định danh, xác thực theo quy định. Đồng thời, thuê bao di động cũng phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở, sử dụng dịch vụ tiền di động.

Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm. Tổng hạn mức giao dịch cho một tài khoản loại này không được quá 10 triệu đồng một tháng cho tất cả giao dịch gồm rút tiền, chuyển tiền, thanh toán.

Khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản Mobile Money tại điểm kinh doanh của doanh nghiệp tham gia thí điểm, từ tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. Ở chiều ngược lại, khách hàng cũng có thể rút tiền từ tài khoản Mobile Money về tài khoản ngân hàng, ví điện tử và tại các điểm kinh doanh.

Kết quả thí điểm triển khai Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ này tại Việt Nam.

Trước đó, Vụ trưởng Thanh Toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất với thanh toán tại Việt Nam là hành vi thói quen. "Mobile Money sẽ là một kênh giáo dục tài chính. Nhờ đó, người dân có thể biết sử dụng dịch vụ tài chính, gián tiếp giúp họ hiểu và nhanh chóng sử dụng, thúc đẩy dịch vụ ngân hàng. Nó làm cho miếng bánh lớn lên, không ảnh hưởng tới bên nào", Vụ trưởng Thanh toán nhận định.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng cho rằng, ngân hàng không phải quá lo lắng vì Mobile Money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng sau này cho ngân hàng. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tin tưởng, Mobile Money đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Theo Anh Tú/VnExpress).

Các tin liên quan