Chiều ngày 17/01, Ban chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Bắc Giang đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND Mai Sơn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo CĐS tỉnh chủ trì, tham dự có thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc.
Ảnh: Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Minh Chiêu - Phó Trưởng Ban chỉ đạo báo cáo kết quả chuyển đổi số năm 2021.
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh, tháng 6/2021, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết: kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số; kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;... Các sở, ban, ngành và huyện, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch CĐS tại cơ quan, đơn vị và địa phương.
Về chính quyền số
Sở Thông tin và Truyền thông, cùng các cấp, các ngành đã bảo đảm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, triển khai hệ thống truyền hình hội nghị kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã với 277 điểm cầu; hệ thống camera an ninh được triển khai tại các huyện, thành phố. Nhiều phần mềm, ứng dụng được triển khai như: Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP); quản lý văn bản và điều hành công việc và ký số với gần 15.000 tài khoản, 6.890 chứng thư số; hệ thống thư điện tử công vụ với gần 15.000 tài khoản; hệ thống hội nghị không giấy tờ,...
Cung cấp 1.380 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công tỉnh (cấp tỉnh: 1.118, cấp huyện: 183 và cấp xã: 79). Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh liên thông 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) với 100% thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Về kinh tế số
UBND tỉnh đã ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; ký kết Chương trình CĐS cho doanh nghiệp với Tập đoàn FPT, đặt mục tiêu hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp CĐS. Toàn tỉnh hiện có 837 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông với giá trị sản xuất đạt 169.353 tỷ đồng (tăng 23.726 tỷ đồng) và nhân lực ICT là 159.563 người (tăng 29.544 người).
Về xã hội số
Hiện toàn tỉnh có trên 1,8 triệu thuê bao điện thoại và có 1,7 triệu thuê bao truy cập Internet tốc độ cao 3G, 4G; 72% hộ gia đình có máy tính và 100% hộ gia đình được gán mã địa chỉ bưu chính Vpostcode. Có 47,85% cơ sở y tế từ cấp xã trở lên kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 85% (17/20) ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện tử; 9,07% số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Ảnh: Quang cảnh hội nghị.
Kết quả chuyển đổi số trên một số lĩnh vực
Lĩnh vực y tế, đã triển khai thành công giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế cho 16/16 bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh; 100% bệnh viện, các Trung tâm Y tế trong tỉnh sử dụng phần mềm quản lý y tế; 80% Trung tâm Y tế tuyến huyện và 100% bệnh viện tuyến tỉnh đã có phần mềm quản lý xét nghiệm LIS ở mức cơ bản; 100% các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh có cầu truyền hình trực tuyến khám chữa bệnh từ xa.
Lĩnh vực giáo dục, triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo dục riêng; sử dụng sổ sách, học bạ điện tử theo dõi và đánh giá học sinh; duy trì dạy học trực tuyến với trên 1.200 phòng học trực tuyến tại 243 trường; triển khai hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Lĩnh vực tài nguyên môi trường, tiếp tục duy trì, vận hành ổn định các hệ thống CSDL về đất đai, CSDL về môi trường, CSDL tài nguyên nước, CSDL địa chất khoáng sản, CSDL nền địa lý và đo đạc bản đồ, CSDL nguồn thải; triển khai phần mềm quản lý thông tin quy hoạch và giá đất, hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề nghị quan tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, điện tử; có cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin; bảo đảm kinh phí cho CĐS; quan tâm hơn nữa về an toàn, an ninh thông tin; tăng cường để thanh niên, học sinh tiếp cận với công nghệ số và đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức; triển khai đồng bộ các CSDL chuyên ngành và đầu tư trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho CĐS; đẩy mạnh triển khai hệ thống thông minh như: Trung tâm giám sát điều hành thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh;...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn khẳng định, năm 2021 cùng với thành tích chung của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang cũng đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, các nội dung được triển khai quyết liệt, sâu sát và linh hoạt. Người đứng đầu các cấp, các ngành đã nhận thức rõ tầm quan trọng của CĐS đối với phát triển ngành, địa phương và kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình triển khai đã bám sát và tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống phần mềm, CSDL còn thiếu tính đồng bộ; một số chỉ tiêu trong chỉ số DTI còn thấp; nhân lực làm chuyển đổi số còn hạn chế;…
Để triển khai hiệu quả CĐS năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong CĐS năm 2021. Khẩn trương tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản làm cơ sở cho việc triển khai, chỉ đạo trong năm 2022. Ưu tiên xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng chỉ số DTI, trong đó xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành đối với từng tiêu chí của Chỉ số.
Đồng chí nhấn mạnh, cần quan tâm tuyển dụng đủ và đào tạo, bồi dưỡng người làm công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên đào tạo cho 20 nhân sự nòng cốt trong chuyển đổi số. Bố trí bảo đảm đủ kinh phí cho triển khai chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy, đồng thời rà soát các nhiệm vụ đã giao nhưng chưa bố trí kinh phí.
Tiếp tục xây dựng trung tâm giám sát điều hành thông minh, giao thông thông minh kết hợp với camera an ninh. Ngành giáo dục tiếp tục đưa nội dung cải cách hành chính, chuyển đổi số vào trong chương trình học cho học sinh; đồng thời, xây dựng đội ngũ nòng cốt tuyên truyền về chuyển đổi số đến người dân. Cùng với đó, triển khai quyết liệt, thực chất dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến. Trong tháng 02/2022, tổ chức gặp mặt cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách.
Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông ký kết Chương trình phối hợp.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn, cùng các đại biểu dự và chứng kiến Chương trình ký kết kế hoạch phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông về bảo đảm an toàn, an ninh công nghệ thông tin
Theo Bacgiang.gov.vn