(BGĐT) - Thời gian gần đây, tại các phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn TP Bắc Giang và một số huyện lân cận luôn thu hút rất đông người tham gia. Bên cạnh người có nhu cầu sử dụng, đây còn là điểm đến của hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh nhằm “lướt sóng”, làm giá, tạo cơn sốt ảo gây áp lực lên thị trường, tiềm ẩn nguy cơ vỡ bong bóng, dẫn tới hệ lụy xấu.
“Lướt sóng”, dẫn giá thị trường
Ngày 9-6, có mặt tại phiên đấu giá quyền sử dụng 121 lô đất ở khu số 3, Khu đô thị phía Nam, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy gần 1 nghìn người với gần 2 nghìn hồ sơ tham gia. Tất cả các lô đất đều đấu giá thành công, tổng giá trị trúng đấu giá hơn 323,7 tỷ đồng, tăng hơn 125,1 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Tỷ lệ tăng 63%, trong đó nhiều lô đất được trả giá tăng hơn 2 lần so với giá khởi điểm.
Hơn 1,2 nghìn người tham gia phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tại TP Bắc Giang ngày 16-6. |
Vẫn tại khu vực trên, ngày 16-6, UBND TP Bắc Giang và Công ty TNHH Đấu giá Hùng Dương Bắc Giang tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 84 lô. Mặc dù những lô đất lần này đều có giá khởi điểm khá cao nhưng thông qua đấu giá, 100% các lô đều có người trúng, với tổng giá trị 618,171 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là 250,978 tỷ đồng, tăng 68%.
Cá biệt, có lô đất diện tích 592 m2, giá khởi điểm hơn 10,3 tỷ đồng, song qua đấu giá, khách trả gần 22,6 tỷ đồng; lô diện tích 500 m2, giá khởi điểm 8 tỷ đồng, khách trả gần 17,2 tỷ đồng…
Hiện nay, tại khu vực vừa tổ chức đấu giá, hằng ngày rất đông người kéo đến xem đất; vài quán nước được dựng tạm, trở thành điểm giao dịch bất động sản (BĐS) di động. Không những vậy, trên khắp các diễn đàn mạng cũng nhan nhản thông tin chào bán đất vừa trúng đấu giá.
Gần đây, UBND huyện Việt Yên tổ chức nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở, thu hút hàng trăm người tham gia. Mặc dù các lô đất đã được xác định giá khởi điểm khá sát với thị trường nhưng thực tế đều được đẩy lên từ 20- 30%, thậm chí một số lô có vị trí đắc địa đã tăng từ 2 - 3 lần.
Mới đây, UBND huyện Yên Dũng cũng tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 83 lô đất ở, tổng diện tích hơn 8,5 nghìn m2 tại thôn Minh Đạo, xã Tân An thu hút gần 600 người với hơn 1,9 nghìn hồ sơ. Các lô đất đều được trả giá thành công; tổng số tiền trúng đấu giá hơn 81 tỷ đồng, tăng 2 lần so với giá khởi điểm.
Nhiều ý kiến nhận định, trước đây “cò” chỉ hoạt động nhỏ lẻ, “ôm” vài ba lô song nay đã liên kết thành các hội, nhóm để thao túng rộng hơn, dễ dàng đẩy giá lên cao. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Khu đô thị Kosy Bắc Giang cho biết: “Những lô đất này thực chất là do các “cò” đất đầu cơ nhằm tạo cơn sốt ảo”.
Cũng theo ông Sơn, trước khi diễn ra phiên đấu giá, các “cò” đất thường khảo sát nhu cầu của thị trường để làm giá. Ngay sau phiên đấu giá, các lô đất sẽ được họ “ôm”; đồng thời sang tay nhiều lần trong nội bộ nhằm tạo sóng và giao dịch ảo, đẩy giá lên cao để thu hút người dân tham gia. Từ đó, họ sẽ thu lời rất lớn thông qua việc làm giá.
Rủi ro và những hệ lụy
Có thể nói, giá đất tại những phiên đấu giá được đẩy lên quá cao là hiện tượng bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà Đỗ Thị L, một người dân phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) cho biết, năm trước bà trúng đấu giá một lô đất 4,5 tỷ đồng tại đường Lê Hồng Phong (TP Bắc Giang) với mục tiêu sang tay kiếm lời.
Tuy nhiên, do giao dịch không sôi động như mong đợi nên bà buộc phải vay mượn để nộp tiền nhận đất. Sau hơn một năm, trước sức ép phải trả tiền lãi và gốc đã vay ngân hàng, bà bán tháo lô đất trên, chấp nhận lỗ gần 1 tỷ đồng.
Nhiều người tập trung tại khu số 3, Khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang giao dịch mua bán ngay sau phiên đấu giá đất. |
Theo thông tin từ Phòng Tài chính kế hoạch TP Bắc Giang, riêng năm 2018, toàn TP có 53 lô đất sau khi trúng đấu giá nhà đầu tư bỏ lại, chấp nhận mất tiền đặt cọc, với tổng số lên đến gần 7 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư chốt giá quá cao so với giá thị trường nên ngậm ngùi bỏ “cọc”, tránh lỗ nặng hơn.
Ở hai phiên đấu giá gần đây của TP, vì chưa đến hạn nộp tiền mua những lô đất đã trúng nên cơ quan chức năng không biết chính xác có bao nhiều trường hợp lại bỏ tiền đặt cọc. Tuy vậy, với mức giá được đẩy lên cao chót vót như vậy, rất có thể nhiều người sẽ không dám mạo hiểm mua vào, chấp nhận mất tiền đặt cọc. Khảo sát tại một số huyện lân cận, sau những phiên đấu giá đất gần đây cũng có tình trạng trên.
Không ít trường hợp không đủ tiền thì cùng nhau hùn vốn hoặc cố vay ngân hàng để tham gia đấu giá với hy vọng sang tay kiếm lời. Vì thế, nếu thị trường BĐS trầm lắng, những trường hợp “ôm” nhiều đất, trong khi tiền đầu tư chủ yếu vay ngân hàng sẽ dễ dẫn đến phá sản, nợ nần chồng chất. Những yếu tố này rất nguy hại đối với nền kinh tế, làm hạn chế nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo ra của cải cho xã hội. Bà Hoàng Thị Bích Loan, đại diện Công ty TNHH Đấu giá Thành Phát (TP Bắc Giang) chia sẻ, gần đây không chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên… tham gia phiên đấu giá mà còn có nhiều người dân, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại các cơ quan nhà nước cùng tham gia “xáo đất”, khiến cho các phiên đấu giá nóng lên. Nhiều chuyên gia khuyến cáo, khi tham gia mua bán BĐS, người dân cần tìm hiểu rõ thông tin về sản phẩm, thị trường; chỉ nên đầu tư bằng nguồn vốn tự có hoặc có nhu cầu sử dụng thực để phát triển sản xuất, kinh doanh.
áo cáo từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Giang cho biết, chỉ trong quý I năm nay, dự nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất và đầu tư kinh doanh bất động sản khác là gần 100 tỷ đồng. Thực tế, con số này sẽ cao hơn nhiều bởi có trường hợp làm hồ sơ vay tiền ngân hàng để sửa chữa nhà cửa nhưng có khi lại đầu tư mua BĐS.
Được biết, từ nay đến năm 2021, UBND TP Bắc Giang có kế hoạch xây dựng 38 khu dân cư, cung cấp gần 10 nghìn lô đất ở. Tương tự, mỗi năm, UBND huyện Việt Yên, Yên Dũng cũng tung ra thị trường hơn 1 nghìn lô đất ở.
Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, toàn tỉnh hiện có 40 dự án BĐS do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, dự kiến có khoảng 26 nghìn lô đất ở sẽ được cung cấp ra thị trường khi các dự án hoàn thành trong vài năm tới. UBND các huyện, TP còn hơn 6,3 nghìn lô đất ở đã hoàn thành xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công, chuẩn bị đưa ra đấu giá. Ngoài ra, còn 16 dự án xây dựng nhà ở với tổng số gần 9 nghìn căn hộ dự kiến cung cấp cho khách hàng trong thời gian tới.
Như vậy, khẳng định rằng, trên địa bàn tỉnh không có chuyện khan nguồn cung BĐS dẫn đến tăng giá bán như thời gian gần đây. Nhiều người cũng nhận định, giá BĐS thời gian tới có khả năng hạ nhiệt, thậm chí giảm sâu khi các nhà đầu tư lớn rút đi.
Để giải quyết tình trạng trên, ông Vi Thanh Quyền, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, TP liên quan khẩn trương lập, điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và chương trình phát triển cho từng đô thị, trình UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2019.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, hoàn thành các dự án; tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển đô thị và nhà ở theo chương trình kế hoạch được duyệt phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của địa phương và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Giang cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn/nhóm khách hàng lớn vay vốn đầu tư vào các dự án BĐS có quy mô lớn; chỉ xem xét cho vay dự án, phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Nhằm hạn chế việc các “cò” đất làm giá, tạo sóng, thiết nghĩ, ngay khi các dự án hoàn thành, UBND các huyện, TP cần minh bạch thông tin về quy hoạch, tổng số lô của mỗi dự án. Đặc biệt, nên tổ chức đấu giá đồng loạt, tránh tình trạng găm hàng, cung cấp nhỏ giọt, tạo điều kiện cho một số đối tượng dễ dàng thao túng thị trường BĐS.
Theo: Thành Nam - Văn Thương (Báo Bắc Giang Điện Tử)