Công nghiệp Bắc Giang hồi sinh ấn tượng

Trong tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, đặc biệt là ở Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung và Quang Châu (Việt Yên) đã ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của tỉnh. Số ca lây nhiễm tăng nhanh, lan rộng, nhất là tại các doanh nghiệp (DN) ở KCN Quang Châu đã hình thành các ổ dịch lớn, Bắc Giang thành tâm dịch lớn nhất cả nước với hàng nghìn ca nhiễm Covid-19.

Dịch bùng phát, căn cứ vào tình hình thực tế, Bắc Giang đã đưa ra quyết định “cân não” cùng lúc đóng cửa 4 KCN gồm: Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng. Đây là quyết định vô cùng khó khăn của tỉnh, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu song tính mạng người dân là trên hết, đáp ứng tình thế cấp bách trong phòng, chống dịch (PCD).

Đóng cửa KCN đồng nghĩa với hơn 340 DN trong KCN phải ngừng hoạt động, hàng trăm nghìn công nhân không có việc làm. Trong đó nhiều DN lớn, mỗi năm giá trị sản xuất công nghiệp hàng nghìn tỷ đồng như các Công ty TNHH: Fuhong Precision Component, Hosiden Việt Nam, Si Flex Việt Nam, Vina Solar Technology... cũng cửa đóng, then cài. Hệ quả là trong tháng 5, hầu hết các ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn đều giảm, đáng chú ý ngành sản xuất linh kiện điện tử giảm 53,6% so với tháng 4, giảm 46,9% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt 10,2%, giảm gần 8% so với quý I.

Với nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đầu tư vào Bắc Giang, việc dừng hoạt động lâu ngày còn có nguy làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối mặt với khó khăn chồng chất chưa có tiền lệ, tỉnh Bắc Giang đã đưa ra những quyết định linh hoạt, sáng tạo để vượt qua. Đó là xây dựng mô hình mới giúp DN ở thế chủ động bảo đảm an toàn, tấn công dịch, khởi động lại chuỗi sản xuất công nghiệp nhằm thực hiện “mục tiêu kép”.

Theo đó, nhiều DN đã cải tạo nhà xưởng, hỗ trợ vật dụng cá nhân, sắp xếp cho công nhân ở tại DN. Công nhân coi Công ty như nhà mình, chung tay phòng, chống dịch cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để có sản phẩm cung cấp cho khách hàng.

Từ ngày 1/7, Bắc Giang chuyển sang trạng thái bình thường mới, Bắc Giang dồn lực cho khôi phục sản xuất. Để hỗ trợ kịp thời DN, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Khôi phục sản xuất. Ban đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên, hằng ngày nắm bắt tiến độ thực hiện, sát sao cơ sở, gỡ vướng từng nội dung về lao động, đưa đón công nhân, tổ chức nơi lưu trú, xét nghiệm…

Theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Các KCN tỉnh, Ban thường xuyên cử cán bộ, bám sát DN phương án xây dựng tổ chức nơi lưu trú, PCD Covid-19 tại DN; giám sát quá trình hoạt động, nếu vi phạm PCD sẽ kiên quyết đề xuất dừng hoạt động. Các DN đã chung tay cùng chính quyền thực hiện các giải pháp như: Phối hợp đưa đón công nhân ở vùng xanh an toàn; tiếp tục bố trí công nhân ở lại DN; một số DN ký hợp đồng thuê nhà trọ cho công nhân ở khu vực tập trung để kiểm soát, dập dịch kịp thời.

Là địa phương có nhiều KCN, lượng công nhân thuê trọ cao, huyện Việt Yên đã tổ chức cuộc đối thoại, làm việc với DN lớn; rà soát, tổ chức nhà trọ nhằm đạt mục tiêu “DN an toàn - nhà trọ an toàn – công nhân an toàn”, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong điều kiện phòng, chống dịch. Huyện đã làm sạch các nhà trọ khu vực Núi Hiểu và sắp xếp làm “nhà trọ an toàn”, ký túc xá cho DN trong KCN. Đến nay, Việt Yên có 3.580 hộ kinh doanh nhà trọ, tương ứng với 58.283 phòng trọ. Ngoài Công ty Hosiden (KCN Quang Châu) còn có Tập đoàn Foxconn, Công ty TNHH Điện tử Rongxin, Tập đoàn Luxshare đã ký hợp đồng với hiệp hội nhà trọ... đưa công nhân đến ở.

Các khó khăn về thị trường tiêu thụ, vốn, lao động tiếp tục được tập trung giải quyết hiệu quả. Ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay, khoanh nợ, giãn nợ và giảm lãi suất tiền vay theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện các hoạt động kinh tế dần hồi phục, đời sống sinh hoạt của nhân dân ổn định trong trạng thái bình thường mới. Trong tháng 7, kinh tế của tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

Hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp quan trọng và dịch vụ đã trở lại hoạt động. Sản xuất công nghiệp dù chưa hồi phục hoàn toàn song đã có chuyển biến tích cực, KCN nhộn nhịp trở lại. Đến ngày 29/7, toàn tỉnh có hơn 2,3 nghìn DN trong và ngoài KCN hoạt động trở lại với hơn 230 nghìn lao động, đạt gần 80% so với trước dịch. Trong đó, các DN lớn như Fuhong, Newwing, Siflex, Luxshare, Hosiden... đã hoạt động với công suất đạt từ 70% - 80%.

Giá trị xuất khẩu tháng 7 ước đạt 885 triệu USD, tăng 79,8% so với tháng trước. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, thu ngân sách nhà nước tháng 7 ước đạt 868 tỷ đồng, 7 tháng đạt 7.603,6 tỷ đồng, tăng 57,3%, đạt 85,1% dự toán năm. 3 địa phương vượt dự toán năm gồm: Lạng Giang, Hiệp Hòa và Lục Ngạn.

Trong tháng 7, toàn tỉnh cũng thu hút được tổng vốn đầu tư quy đổi khoảng 30,6 triệu USD, 7 tháng thu hút được 775,94 triệu USD.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, Bắc Giang cơ bản khống chế được dịch, tuy nhiên tình hình dịch bệnh tại các địa phương trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam nên “Bắc Giang chỉ an toàn khi cả nước an toàn”. Ngày 28/7, Bắc Giang ban hành Chỉ thị 11 về công tác PCD Covid-19 trong tình hình mới.

Đối với PCD, Bắc Giang xác định tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình dịch trên thế giới, trong nước, nhất là các tỉnh xung quanh và các TP lớn để đánh giá toàn diện, đầy đủ về những nguy cơ dịch xâm nhập trở lại địa bàn, từ đó chủ động đề ra các giải PCD phù hợp, sát thực tế, hiệu quả; quyết tâm giữ vững, bảo vệ bằng được thành quả chống dịch vừa qua, tranh thủ thời cơ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh an toàn.

Triển khai Chỉ thị 11, riêng về ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài, Bắc Giang kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa liên tỉnh. Tổ chức quản lý hệ thống xe đưa đón công nhân khoa học, an toàn.

Phòng ngừa dịch lây lan bên trong, tỉnh yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài KCN rà soát, bổ sung và thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, phương án PCD trong sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguyên tắc: Công nhân an toàn - sản xuất an toàn - giao thông an toàn - nhà trọ/khu ở an toàn.

Khảo sát cho thấy, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động đều có cán bộ y tế địa phương phụ trách; duy trì đều đặn thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động; xây dựng mạng lưới Tổ an toàn Covid trong từng bộ phận sản xuất.

Đến nay dịch được khống chế, để khôi phục kinh tế, nhất là sản xuất công nghiệp, chính quyền luôn đồng hành, tạo thuận lợi, gỡ khó cho DN. DN cũng đồng lòng cùng tỉnh thực hiện các giải pháp sản xuất trong tình hình mới. Ông Nguyễn Hữu Phải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang BGG chia sẻ, với 1,5 nghìn công nhân đi làm, mỗi tuần Công ty phải chi trả khoảng 150 triệu đồng tiền công lấy mẫu. Việc định kỳ lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân làm tăng chi phí cho DN song vì mục tiêu “an toàn để sản xuất” DN vẫn duy trì đều đặn, chung tay PCD.

Theo: Báo Bắc Giang 

 

Các tin liên quan