Thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản: Cần có chính sách tạo bước đột phá

(BGĐT) - Để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, T.Ư và tỉnh Bắc Giang đã có một số chính sách khuyến khích nhưng số DN tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản còn ít.  Thực tế đó đòi hỏi phải có những chính sách tạo bước đột phá trong lĩnh vực này.

DN chưa mặn mà

Nhằm thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã có các chính sách như: Đẩy mạnh chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ khuyến khích dồn điền, đổi thửa. Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Dây chuyền sản xuất nước cam tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu.

Dây chuyền sản xuất nước cam tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu.

Những ưu đãi từ chính sách trên bước đầu đã thu hút được một số DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Đơn cử như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu đầu tư hơn 4 triệu USD xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền chế biến nông sản tại xã Phượng Sơn (Lục Ngạn). Nhà máy đi vào hoạt động hơn một năm qua, sản xuất các sản phẩm chuyên sâu như: Hàng đóng hộp, đóng lon, nước cốt, đông lạnh. Năm 2019, Công ty chế biến 300 tấn vải thiều thành cùi vải đóng hộp, nước ép vải; cam ép đóng lon, cam nguyên chất và ngô ngọt đóng lon. 

Trong đó, nước cam chủ yếu tiêu thụ nội địa khoảng 20 nghìn thùng/tháng. Vải thiều chế biến đã xuất khẩu sang Đức, Úc, Pháp. Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty cho biết: “Vụ vải này, Công ty đã đàm phán, ký kết đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản 100 tấn vải đông lạnh và 100 tấn vải chế biến sang thị trường châu Âu. Hiện nay, Công ty đang cùng đơn vị chuyên môn của huyện lựa chọn vườn, bảo đảm nguồn cung cho đối tác”.

Công ty TNHH Thương mại Kim Ngân cũng thành công trong việc chế biến giấm từ vải thiều. Ban đầu chỉ có vài sản phẩm, qua nhiều năm nghiên cứu, Công ty đã cho ra nhiều dòng giấm từ vải như: Giấm vải, giấm tỏi ớt chuyên trộn rau, sa-lát. Ngoài ra, Công ty còn xây dựng quy trình pha giấm để dùng như một thức uống. Mỗi tháng sản xuất 15 nghìn lít giấm cung cấp cho thị trường. 

Trung bình mỗi năm Công ty tiêu thụ 50- 60 tấn cùi vải để sản xuất giấm. Các sản phẩm của Công ty đã xuất hiện tại một số siêu thị lớn như Vinmart, Aeon, Fivimart. Thời gian tới, Công ty tiếp tục mở rộng thị trường, đưa sản phẩm ra nước ngoài để quảng bá nông sản Việt. Trên thực tế, số DN chế biến như hai công ty trên không nhiều. Thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có khoảng 200 DN đầu tư vào nông nghiệp song chủ yếu là nhỏ lẻ, hoạt động cung ứng vật tư còn DN chế biến nông sản chỉ đạt khoảng 5% tổng số DN.

Xây dựng cụm công nghiệp chế biến, mời gọi đầu tư

Cơ chế chính sách của Nhà nước đã có nhưng DN đầu tư vào nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chế biến nói chung vẫn ít. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, sản xuất nông nghiệp thường xuyên đối mặt với thiên tai, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Mối liên kết nông dân-DN trong chuỗi giá trị sản xuất chưa chặt chẽ. 

 

Thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có khoảng 200 DN đầu tư vào nông nghiệp song chủ yếu là hoạt động cung ứng vật tư còn DN chế biến nông sản chỉ đạt khoảng 5%.

 

Đặc biệt, tỷ lệ sinh lời lại thấp. Bên cạnh đó, DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai. Ví như, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hoàn Mỹ (Hà Nội) đã nhiều lần đàm phán, thỏa thuận thuê 50 ha đất tại xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) để trồng chuối chế biến xuất khẩu nhưng vẫn chưa được người dân chấp nhận. Một số hộ dân đòi giá thuê quá cao, DN không đáp ứng được nên đành hoãn lại.

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, chế biến nông sản là xu thế tất yếu. Chỉ có chế biến thì sản phẩm mới mở rộng thị trường, vào kênh phân phối cao hơn, hướng tới xuất khẩu, góp phần cho sản xuất hiệu quả hơn. Nhận thức rõ điều này, ngày 11/7/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, DN có dự án đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm từ rau, vải, cam, bưởi, nhãn, thịt lợn, thịt gà được hỗ trợ. 

Hỗ trợ 50% chi phí đầu tư và không quá 3 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Điều kiện hỗ trợ là công suất cơ sở chế biến sản phẩm từ rau, vải, cam, bưởi, nhãn đạt tối thiểu 5 tấn sản phẩm/ngày; chế biến sản phẩm từ thịt lợn đạt tối thiểu 7 tấn sản phẩm/ngày; chế biến sản phẩm từ thịt gà đạt tối thiểu 3 tấn sản phẩm/ngày. Giá trị sản phẩm sau chế biến tăng ít nhất 1,25 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu. Bước đầu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giới thiệu một số DN, kỳ vọng sẽ thu hút được tập đoàn có tiềm lực lớn đầu tư vào địa bàn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng để phát triển công nghiệp chế biến nông sản cần hình thành cụm công nghiệp chế biến. Có như vậy mới phát triển bền vững, thuận lợi trong thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường. Tiếp tục xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp nhằm tích tụ đầu tư vùng sản xuất quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến. Rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN đối với lĩnh vực chế biến nông sản.

Theo: Báo Bắc Giang 

Các tin liên quan