Hỗ trợ bao bì, nhãn mác: Nâng giá trị mỳ Chũ

(BGĐT) - Những năm qua, sản phẩm mỳ Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) ngày càng được chú trọng về mẫu mã, chất lượng nên tiêu thụ thuận lợi với giá trị kinh tế cao. Có được kết quả này một phần là nhờ  sự hỗ trợ của Đề án phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021. 

HTX Mỳ Chũ Xuân Trường sử dụng mẫu mã bao bì mới để đóng sản phẩm trước khi mang đi tiêu thụ.

HTX Mỳ Chũ Xuân Trường sử dụng mẫu mã bao bì mới để đóng sản phẩm trước khi mang đi tiêu thụ.

HTX mỳ Chũ Bắc Giang Tùng Chi (HTX Tùng Chi), thôn Nam Sơn, xã Nam Dương là một điển hình. Thời điểm này, các hộ thành viên của HTX luôn tất bật sản xuất và hoàn thiện các công đoạn làm mỳ để kịp giao hàng. Anh Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc HTX Tùng Chi cho biết, đầu năm 2020, đơn vị được hỗ trợ 150 triệu đồng từ Đề án phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh để thiết kế xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Với số kinh phí này, HTX đã lựa chọn loại giấy cao cấp của Nhật Bản để làm túi đựng thành phẩm và thuê đơn vị thiết kế mẫu mã, logô in ấn. Tháng 5/2020, đơn vị chính thức sử dụng bao bì mới, sản phẩm nhìn đẹp, bắt mắt và phù hợp làm quà biếu, tặng, được nhiều người ưa chuộng.

Được biết, HTX thành lập từ năm 2013 với 7 thành viên, đến nay có 80 thành viên. Trước kia, mặc dù mỳ Chũ của HTX bảo đảm về chất lượng nhưng do mẫu mã, bao bì đóng gói không đẹp nên tiêu thụ chưa thuận lợi. Từ khi chuyển sang dùng túi cao cấp của Nhật với màu sắc, hoa văn rõ ràng và có thể truy xuất nguồn gốc, mỳ tiêu thụ thuận lợi hơn. Trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất hơn 70 tấn mỳ trắng, tăng 10 tấn/tháng, bán giá 30 nghìn đồng/kg, cao hơn 5 nghìn đồng/kg so với trước.

Tương tự, cùng với HTX Tùng Chi, đầu năm nay, HTX Mỳ Chũ Xuân Trường, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương cũng được Sở Công Thương hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để thiết kế lô gô, bao bì đóng gói sản phẩm. HTX đã lựa chọn túi đựng mỳ thân thiện với môi trường thay thế túi nilon. Với chất lượng tốt, bao bì mẫu mã đẹp, mỳ Chũ Xuân Trường được tiêu thụ thuận lợi ở trong và ngoài nước.

Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn, sản phẩm đang được bán sang Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Ba Lan… HTX Mỳ Chũ Xuân Trường có 30 thành viên, trung bình sản xuất 3-4 tấn mỳ/ngày. Với lượng tiêu thụ ngày một lớn, nhiều hộ thành viên trong HTX đã chủ động đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại. Các thành viên của HTX sản xuất đa dạng các sản phẩm mỳ như: Mỳ gạo trắng, mỳ chùm ngây, mỳ gạo lứt, mỳ gấc, mỳ thập cẩm củ quả, bún tươi… được khách hàng ưa chuộng.

Năm nay, ngoài hai đơn vị trên, tại Lục Ngạn, Sở Công Thương hỗ trợ kinh phí cho các HTX sản xuất, kinh doanh mỳ như: Sản xuất và tiêu thụ mỳ Hạnh Thái; sản xuất, kinh doanh tiêu thụ mỳ Trại Lâm; Công ty cổ phần Mỳ Chũ Lục Ngạn từ Đề án phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh năm 2020.

Đề án phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh đã hỗ trợ hầu hết các HTX sản xuất mỳ trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Hoạt động này giúp sản phẩm đạt chất lượng tốt, có mẫu mã đạt tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài. 

Tùy từng năm, các đơn vị tham gia sẽ được hỗ trợ những nội dung khác để phát triển sản xuất như: Trang thiết bị máy móc, ứng dụng thương mại điện tử, cải tiến mẫu mã. Riêng năm 2020, Đề án giúp các đơn vị tham gia xây dựng, thiết kế bao bì sản phẩm, gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) thông tin, để tiếp tục hoàn thiện và phát huy hiệu quả đề án, đơn vị cùng chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tổ chức các buổi tập huấn tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các làng nghề. Sở tích cực kết nối cho các HTX, DN ký kết bao tiêu sản phẩm.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Hoàng Phương).

Các tin liên quan