Tổng quan về Bắc Giang

 TỔNG QUAN VỀ TỈNH BẮC GIANG        

Tỉnh Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thành phố Bắc Giang là trung tâm hành chính của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP

Với diện tích tự nhiên 3.895 km², dân số trên 1,8 triệu người. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính cấp huyện và 01 thành phố. Thành phố Bắc Giang là trung tâm hành chính của tỉnh, cách Thủ đô Hà Nội 50 km; cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110 km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130 km.

Tỉnh Bắc Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa khu vực Đông Bắc Việt Nam, một năm có bốn mùa rõ rệt. Mùa Đông có khí hậu khô, lạnh; mùa Hè khí hậu nóng, ẩm; mùa Xuân và mùa Thu khí hậu ôn hòa. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230-240 C; độ ẩm không khí dao động lớn từ 74% - 87%. Lư­ợng mư­a hàng năm đủ đáp ứng nhu cầu n­ước cho sản xuất và đời sống. Lượng nắng trung bình hàng năm từ 1.500 - 1.700 giờ, thuận lợi cho canh tác, phát triển các cây trồng nhiệt đới, á nhiệt đới.

Tỉnh có 382.200 ha đất tự nhiên, bao gồm 123.000 ha đất nông nghiệp, 110.000 ha đất lâm nghiệp, 66.500 ha đất đô thị, đất chuyên dụng và đất ở, còn lại khoảng 82.700 ha là các loại đất khác. Cùng với đó, tỉnh còn có 3 con sông lớn (Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) chảy qua với tổng chiều dài 347 km, lưu lượng lớn và có nước quanh năm. Ngoài ra còn có hệ thống ao, hồ, đầm, mạch nước ngầm có trữ lượng khá lớn. Lượng nước mặt, nước mưa, nước ngầm đủ khả năng cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt.

Vùng vải thiều Lục Ngạn được trồng theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Ảnh: BGP

Với đặc điểm địa hình là miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, rất thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Thời gian qua, nông, lâm nghiệp của tỉnh đang có sự chuyển dịch cơ cấu một cách tích cực. Với diện tích đất nông nghiệp trên 302 nghìn ha. Bắc Giang đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc; vùng trồng rau chế biến, rau an toàn lớn; vùng chuyên canh thủy sản. Đặc biệt vùng vải thiều Lục Ngạn được trồng theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng đàn gà đứng thứ 3, tổng đàn lợn đứng thứ 4 cả nước. Diện tích đất lâm nghiệp gần 146 nghìn ha, trong đó có trên 50% là rừng sản xuất có giá trị kinh tế cao.

Với việc không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là việc đưa giống mới, phương pháp canh tác mới vào sản xuất, do đó tốc độ tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa mỗi năm đều tăng. Những cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được phát triển, mở rộng ngày một nhanh hơn. Chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp cùng với nuôi trồng thủy sản tiếp tục có những bước phát triển rất khả quan. Hiện Bắc Giang ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch.

Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên. Ảnh: BGP

Công nghiệp là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của tỉnh. Hiện tỉnh đã có 08 KCN đã được thành lập với tổng diện tích khoảng 1.967,46ha. Thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và trung phát triển công nghiệp của vùng; đến năm 2030, Tỉnh có hơn 10 nghìn ha đất phát triển công nghiệp. Trong đó có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.000ha, trong đó quy hoạch mới 20 khu công nghiệp, diện tích khu công nghiệp mới và mở rộng tăng thêm gần 5.700 ha và 63 cụm công nghiệp với diện tích hơn 3.000ha. Điểm mới của phương án phát triển công nghiệp được gắn liền với phát triển với đô thị, dịch vụ. Trong số các khu công nghiệp quy hoạch có 12 khu công nghiệp đô thị dịch vụ.

Tập trung phát triển các ngành: sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; thiết bị điện (chủ yếu pin năng lượng mặt trời); may trang phục; sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất cơ khí; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Sản phẩm quan trọng đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu là: sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; thiết bị điện (chủ yếu pin năng lượng mặt trời); may trang phục; sản phẩm từ cao su và plastic.

Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: BGP

Hệ thống giao thông của tỉnh rất thuận tiện gồm: Đường bộ, đường sông và đường sắt. Trong đó, đường bộ có: Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, đường vành đai 4 Hà Nội kết nối đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 17 kết nối Bắc Giang với KCN Quế Võ - Bắc Ninh, QL18 đi Quảng Ninh, Hải Phòng, Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang đi Thái Nguyên…; Đường sông có Sông Cầu, Sông Thương và Sông Lục Nam; Đường sắt có tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (thông thương sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị); tuyến Kép - Bãi Cháy (Quảng Ninh).

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, mạng internet  tốc độ cao đảm bảo cho việc liên lạc và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra trung tâm Logistics quốc tế thành phố Bắc Giang cũng đang được triển khai xây dựng và sớm đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh có nguồn nhân lực trẻ, năng động, có năng lực. Dân số trong độ tuổi lao động trên 1,1 triệu người, lao động qua đào tạo chiếm trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tỉnh hiện có 01 trường Đại học, 3 trường Cao đẳng, 4 trường Trung cấp và 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động.

Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: BGP

Cùng với những tiềm năng để phát triển công nghiệp, nông nghiệp, Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tỉnh có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc với hơn 2.230 di tích, trong đó có 731 di tích được xếp hạng. Nhiều công trình văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi tiếng trong đó, một số di tích, công trình tiêu biểu như: Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm huyện Yên Dũng, Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà huyện Việt Yên, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử... Các lễ hội cổ truyền vẫn được gìn giữ và ngày càng phát huy, mở rộng thêm. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Dân ca Quan họ; Ca trù; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.

Hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn. Ảnh: BGP

Bên cạnh các di tích lịch sử, văn hóa, Bắc Giang còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: Khu thắng cảnh Suối Mỡ (huyện Lục Nam); hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần (huyện Lục Ngạn); Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) với những hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại sinh vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam đang được bảo tồn,… đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế cùng với định hướng phát triển phù hợp, Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 phát triển toàn diện, vững chắc các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế (GRDP) trong tốp 15 của cả nước./.

 

 

Các tin liên quan