Vải thiều Bắc Giang - Điển hình nông sản Việt

(BGĐT) - Trong bối cảnh gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19 nhưng sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản của tỉnh Bắc Giang vẫn gặt hái thành quả ngoạn mục, trở thành điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm qua.

Nông dân @

Chúng tôi đến thăm vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Lân, xã Nam Dương (Lục Ngạn). Lão nông 60 tuổi này cẩn thận giở cuốn sổ ghi chép thời gian chăm sóc, bón phân theo yêu cầu tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Nhật Bản. “Năm 2020, vườn vải thiều hơn 3 ha nhà tôi sản xuất theo quy trình yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Với sản lượng gần 40 tấn vải, tôi thu về hơn 1,1 tỷ đồng”, ông Lân nói.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi (giữa) giới thiệu với du khách về vùng sản xuất vải thiều sớm tại xã Nam Dương.  Ảnh: Thế Đại

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi (giữa) giới thiệu với du khách về vùng sản xuất vải thiều sớm tại xã Nam Dương. Ảnh: Thế Đại

Ông Lân chia sẻ đã gắn bó với cây vải hơn 30 năm. Năm qua, vườn vải được lựa chọn sản xuất để xuất khẩu sang Nhật nên quy trình chăm sóc khác trước. Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu phải tuân thủ theo yêu cầu của phía Nhật Bản và được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ. “Người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu lớn về chất lượng quả vải “sạch”. Bởi vậy, chúng tôi phải thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất an toàn để đáp ứng đòi hỏi của thị trường”, ông Lân tâm sự.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thế Thi cho biết thêm, cơ quan chức năng của tỉnh và huyện cùng bà con trồng vải chuẩn bị suốt 5 năm qua về việc sản xuất vải thiều sang Nhật Bản. “Thời gian tới, UBND huyện và người trồng vải ở đây hướng đến sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ”, ông Thi nói.

Nhiều năm gắn bó với ngành trồng trọt, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, đòi hỏi về chất lượng của thị trường, như Nhật Bản, Mỹ… góp phần quan trọng làm người trồng vải thay đổi cách thức sản xuất để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Thị trường truyền thống Trung Quốc cũng ngày càng yêu cầu chất lượng quả vải khắt khe hơn. Ông Tặng đưa ra nhiều con số ấn tượng về sự “chuyển mình” trong sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn của tỉnh. 

Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 15.300 ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 1.000 và 298 ha GlobalGAP, tăng 40 ha so với năm 2019, cấp mã số vùng trồng cho 16 nghìn ha xuất khẩu sang Trung Quốc. Để phục vụ cho vụ vải tới, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tăng diện tích trồng vải thiều VietGAP lên 16,5 nghìn ha. “Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục kết hợp với doanh nghiệp (DN) có nhu cầu để mở rộng cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Nhật Bản, đồng thời nâng cao chất lượng quả vải để đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi phối hợp với các bộ để xây dựng thêm các cơ sở xông hơi, khử trùng quả vải xuất khẩu”, ông Tặng cho biết.

“Đi chợ” giúp dân

Còn nhớ, dù ngày thứ Bảy nhưng không khí ở các phòng làm việc của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh vẫn khá nhộn nhịp. Trước vụ vải thiều 2020 vài tháng, cán bộ và nhân viên Trung tâm lại bận rộn, đi sớm về muộn, tranh thủ cả ngày cuối tuần để “đi chợ” giúp bà con trồng vải.

Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 15.300 ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 1.000 ha và 298 ha GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về nông nghiệp), tăng 40 ha so với năm ngoái, cấp mã số vùng trồng cho 16 nghìn ha xuất khẩu sang Trung Quốc. Để phục vụ cho vụ vải tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh dự kiến tăng diện tích trồng vải thiều VietGAP lên 16,5 nghìn ha.

Khi đó, có dịp trò truyện với Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn, chúng tôi hiểu được phần nào về việc lo đầu ra cho nông sản, nhất là vải thiều của lãnh đạo tỉnh. Ngay từ đầu năm, dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, “bắt mạch” được khó khăn đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với 3 kịch bản ứng phó phù hợp với tình hình dịch. “Vụ vải thiều năm 2020 mang về hơn 6,9 nghìn tỷ đồng cho người trồng vải, vượt mong đợi. Một trong những nguyên nhân mang lại thành công này là sự chủ động trong tiêu thụ vải thiều của tỉnh”, ông Tấn nói.

Ông Tấn chia sẻ, trước khi vào vụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, chủ động làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc (thị trường chiếm 90% sản lượng vải xuất khẩu của tỉnh) để trao đổi, đề nghị phối hợp tiêu thụ vải thiều. Sở cử một Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại “ăn nằm” tại cửa khẩu Lạng Sơn và chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh để trực tiếp giải quyết vướng mắc trong tiêu thụ vải thiều.

“Nồi cơm của bà con nông dân đầy hơn”

Chị Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) có thâm niên gần 20 năm làm ăn với thương nhân Trung Quốc cho biết, do dịch Covid-19 nên bạn hàng người Trung Quốc của chị không thể trực tiếp sang. Tuy nhiên chị vẫn giao dịch bình thường qua mạng Wechat. “Vụ vải 2020, mỗi ngày tôi thu mua khoảng 10 tấn để bán sang Trung Quốc”, chị Hương nói. Còn bà Ngô Tường Vi, Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Chánh Thu cho biết, lô vải thiều đầu tiên của tỉnh Bắc Giang (hơn 1 tấn) mà công ty này xuất sang Nhật vào ngày 19/6/2020 đã tiêu thụ hết sạch trong vài giờ. Người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá cao chất lượng vải thiều Việt Nam. Các siêu thị Nhật Bản bán vải thiều tỉnh Bắc Giang với giá từ 400 - 600 nghìn đồng/kg. Năm 2020, DN này xuất hàng chục tấn vải thiều tỉnh Bắc Giang sang Nhật Bản và tiêu thụ thuận lợi.

 Thu mua vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại bản Na Hem, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn). Ảnh: HÀ MI

Thu mua vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại bản Na Hem, xã Hộ Đáp (Lục Ngạn). Ảnh: HÀ MI

Thực tế ở Lục Ngạn, lực lượng thương nhân có quan hệ làm ăn lâu năm với người Trung Quốc và các DN xuất khẩu nông sản đã góp phần quan trọng vào việc tiêu thụ vải thiều và các nông sản khác. Theo ước tính, chỉ riêng huyện Lục Ngạn có khoảng 200 điểm cân của người địa phương nhận thu mua vải thiều cho đối tác người Trung Quốc nhiều năm nay. Mỗi điểm cân thu mua hàng chục tấn vải/ngày.

Trong dịp trò chuyện với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tâm sự: Có phóng viên hỏi, tỉnh Bắc Giang năm 2020 có gì vui. Ông Dương cho rằng, một trong những niềm vui lớn nhất là tiêu thụ nông sản của tỉnh đạt kết quả ấn tượng, đặc biệt là quả vải trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. “Việc tiêu thụ nông sản đạt kết quả tốt giúp nồi cơm của bà con nông dân tỉnh Bắc Giang đầy hơn”, ông Dương phấn khởi.

Trong chuyến thăm Lục Ngạn - vựa cây ăn quả lớn nhất tỉnh mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đánh giá cao thành công trong tiêu thụ nông sản của Bắc Giang. "Từ tỉnh Bắc Giang cho thấy, nếu chúng ta tổ chức sản xuất tốt, biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương thì chính những nhóm sản phẩm nông sản cấp tỉnh trở thành sản phẩm mang lại giá trị trăm triệu USD và tiến tới tỷ USD”, Bộ trưởng nói.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Nguyễn Thắng, Thường trú báo Tiền Phong tại Bắc Giang).

Các tin liên quan