Tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; điều chỉnh cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp. Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tổng hợp, cân đối, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2030 vào trong kế hoạch 5 năm cho ngành nông nghiệp, nông thôn để thực hiện Chiến lược.
Mục tiêu của Chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.
Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020…
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Về xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá, Quyết định đưa ra các chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, đầu tư, thuế, phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, về chính sách đầu tư, Quyết định nêu rõ tăng đầu tư công cho nông nghiệp, điều chỉnh cơ cấu để tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, hạ tầng thương mại, đào tạo nhân lực, bảo đảm liên kết vùng, sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Điều chỉnh chiến lược đầu tư công nghiệp và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các vùng có lợi thế, vùng chuyên canh chính.
Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất vật tư, thiết bị, máy móc đầu vào; công nghiệp chế biến nông sản,...); dịch vụ phục vụ nông nghiệp (kho bãi, vận tải chuyên dụng, thương mại, logistic,...). Đặc biệt ưu đãi phát triển các ngành cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra mang tính chất quyết định tạo giá trị gia tăng cho các chuỗi giá trị nông sản chiến lược, đảm bảo để nông nghiệp không rơi vào bẫy “sản xuất gia công”. Đổi mới cơ chế, đơn giản thủ tục, tạo điều kiện khuyến khích thu hút viện trợ quốc tế, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước vào nông nghiệp, nông thôn nhất là các vùng sâu, xa, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về danh mục các chương trình, đề án trọng tâm để thực hiện Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và quy hoạch giai đoạn 2021-2030, gồm: xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012; Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các vùng. Đổi mới cơ cấu đầu tư công, thu hút nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 thực hiện đột phá phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển nông thôn hiện đại. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Chương trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025./.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư