Trang chủ » Thị trường những tháng cuối năm: Kích cầu tiêu dùng hàng Việt
  • Thứ hai, 05-10-2020 |
  • Tin tức kinh tế |
  • 20 Lượt xem

Thị trường những tháng cuối năm: Kích cầu tiêu dùng hàng Việt

(BGĐT) – Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khôi phục sản xuất khi dịch được kiểm soát, các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn […]

(BGĐT) – Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khôi phục sản xuất khi dịch được kiểm soát, các cấp, ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp.

Nhiều chương trình khuyến mại

Theo Sở Công Thương, chỉ tính tháng 9/2020, toàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia chương trình khuyến mại trực tiếp tại Sở với nhiều hình thức, nội dung khác nhau như: Khuyến mại giờ vàng, giảm từ 0,1 đến 50% giá trị hàng hóa so với giá bán ban đầu, mua một tặng một, mua hàng tặng quà… nhằm kích cầu tiêu dùng. Bằng các hình thức này, sức mua của người dân, đơn vị trong tháng 8 và 9 tăng hơn so với trước đó. 

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Tiến (TP Bắc Giang) lên kế hoạch nhập hàng bán vào dịp Tết.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Tiến (TP Bắc Giang) lên kế hoạch nhập hàng bán vào dịp Tết.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Dũng Tiến (TP Bắc Giang), do ảnh hưởng của dịch nên ngoài phương thức kinh doanh truyền thống, đơn vị bán hàng gián tiếp và chạy chương trình khuyến mại cho nhiều sản phẩm. Nhờ vậy, doanh thu bán hàng đối với các sản phẩm: Bánh kẹo, nước mắm, dầu ăn, mì tôm… vẫn đạt chỉ tiêu; riêng mặt hàng sữa, rượu, bia và nước ngọt giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại các Siêu thị BigC, Co.op Mart Bắc Giang (TP Bắc Giang), để thu hút người tiêu dùng, các đơn vị đang áp dụng nhiều chương trình khuyến mại với các hình thức khác nhau, nhất là mặt hàng trái cây, rau, củ, quả, thực phẩm… Đại diện Siêu thị BigC Bắc Giang thông tin, năm nay, so với năm trước sức mua giảm hơn nhưng nhờ áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại nên sức mua hàng hóa trong tháng 9 tăng từ 10%-15% so với tháng 7.

Ở một số chợ truyền thống, nhiều DN thực hiện biện pháp bán hàng di động, mở điểm trưng bày nông sản đặc trưng, chủ lực giúp người dân dễ tiếp cận và mua bán thuận lợi hơn. Bằng nhiều biện pháp kích cầu trên, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 đạt 2.385,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với tháng trước. Những đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu trở lại hoạt động bình thường nhằm bảo đảm nhu cầu của người dân.

Đẩy mạnh sử dụng hàng nội

Theo Sở Công Thương, trong bối cảnh hiện nay, dù sức mua bước đầu có chuyển biến song nhận định vẫn giảm hơn so với những năm trước. Để kích cầu tiêu dùng, Sở vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, TP; DN phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến cuối năm. 

Trong đó, tập trung tạo điều kiện cho DN phân phối hàng Việt Nam tổ chức chương trình khuyến mại, đưa hàng về tiêu thụ ở mọi địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và khu, cụm công nghiệp… Hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, lợi thế của địa phương… bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị đẩy mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến cuối năm. Trong đó, tập trung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng Việt tổ chức các chương trình khuyến mại, đưa hàng Việt về tiêu thụ ở mọi địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi và khu, cụm công nghiệp…

Cùng với cơ quan chức năng, các DN cũng chủ động phương án để sản xuất, kinh doanh ổn định. Được biết, toàn tỉnh hiện có 15 thương nhân phân phối và hàng trăm đơn vị bán lẻ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Thời điểm này, các DN đang chuẩn bị các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán. 

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Thoa Thịnh, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Năm nay dự kiến sức mua sẽ chững hơn so với năm ngoái song để bảo đảm hàng hóa cung cấp cho các đơn vị bán lẻ cấp dưới, Công ty dự kiến nhập khoảng 10 tỷ đồng tiền hàng; trong đó chủ yếu là bánh kẹo, dầu ăn, mỳ tôm… Các mặt hàng được công ty phân phối đều là sản phẩm sản xuất trong nước”.

Một số đơn vị sản xuất đang tổ chức khảo sát, tìm kiếm đối tác. Ví như, Công ty TNHH Bánh kẹo thực phẩm Tích Sỹ Giai, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), nhiều lao động phải nghỉ việc liên tục hoặc luân phiên trong khoảng thời gian dài do dịch Covid-19. Lao động mới trở lại làm việc bình thường được mấy tháng trở lại đây. Đơn vị đang đàm phán với các đối tác về nhu cầu đặt hàng, từ đó lên kế hoạch sản xuất.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dịp cuối năm, cùng với triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của T.Ư, các cấp, ngành trong tỉnh cũng có chương trình kế hoạch riêng thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất hàng nội địa. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, DN đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động này. Sở tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý những hành vi găm hàng, tăng giá, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Hoàng Phương).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Default Image

Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 4/1 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong năm 2022 là 60,98 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, theo đó...

Default Image

Lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng hơn 27 nghìn người

  Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm này trong các KCN của tỉnh có hơn 174 nghìn lao động đang làm việc, tăng hơn 27 nghìn người so với thời điểm tháng 7 năm trước. Công nhân của Công ty...

1

Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới

  Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Ban Chỉ đạo xây...

Default Image

Bắc Giang: 22 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú

  Thời gian qua, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa) phối hợp với chính quyền địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng và đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công...

1

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022

   Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa. Nguồn: MPI Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải...