Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Quyết tâm tái cơ cấu để Đạm Hà Bắc phát triển bền vững

Ngày 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế, làm việc tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Tham gia đoàn công tác có đại diện một số bộ, ngành T.Ư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra thực tế tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Về phía tỉnh Bắc Giang, tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, giai đoạn 2015-2020, từ khi đưa dự án dây chuyền số 2 đi vào hoạt động, sản lượng sản phẩm của Công ty tăng 2,5 lần, doanh thu đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng nhưng kết quả lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ. Lỗ lũy kế giai đoạn 2015-2020 lên tới hơn 4,7 nghìn tỷ đồng. Bình quân mỗi năm lỗ khoảng 739 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu tăng gấp 2,1 lần, trong đó giá than gấp 2,3 lần, chi phí tài chính gấp 2,33 lần.

Đến hết ngày 31/12/2020, tuy đã trả được 1,5 nghìn tỷ đồng (nợ ban đầu 4,1 nghìn tỷ đồng) nhưng Công ty vẫn còn nợ tới 6,3 nghìn tỷ đồng do lãi chậm trả và lãi suất tăng. 

Sang năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động của Công ty khởi sắc hơn. Năm 2021 lãi hơn 6,3 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng sản xuất quy đổi ra Urê đạt hơn 236 nghìn tấn. Tổng doanh thu đạt hơn 3,5 nghìn tỷ đồng, ước lãi 1,3 nghìn tỷ đồng.

Một góc nhà máy Đạm Hà Bắc.

Đến nay, nhà máy vận hành ổn định hơn 90% công suất thiết kế, sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, thương hiệu Đạm Hà Bắc tiếp tục khẳng định uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, DN vẫn nợ hàng nghìn tỷ đồng. Dự án dây chuyền số 2 là một trong những dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến nhà máy hoạt động yếu kém, tại hội nghị, các đại biểu đánh giá: Bên cạnh yếu tố chi phí nguyên liệu đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng, thực tế cho thấy việc tính toán chi phí đầu vào, đầu ra của chủ đầu tư chưa sát. Mặc dù dây chuyền đầu tư mở rộng đi vào hoạt động 7 năm nhưng một số hạng mục vẫn còn dang dở chưa nghiệm thu vì nhà thầu rút khỏi dự án về nước.

Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Sơn thông tin, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có số lao động lớn. Vì vậy việc tháo gỡ khó khăn của Công ty có ý nghĩa lớn đối với Bắc Giang, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Trên cơ sở đề xuất của một số bộ, ngành, đồng chí đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan để Công ty hoạt động hiệu quả. 

Qua kiểm tra và ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dự án hoạt động không hiệu quả, nguyên nhân chủ quan là do vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định dự án, làm cho chi phí đầu vào tăng, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh. Điều này khiến Công ty lâm vào cảnh khó trả nợ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận tại buổi làm việc.

Hiện nay còn những vướng mắc chính như: Tranh chấp hợp đồng, tài chính, chi phí đầu vào cao. Thủ tướng đánh giá vấn đề xử lý chất thải, khí thải chưa tốt; quyết tâm đổi mới, xây dựng nhà máy xanh, sạch, đẹp của đội ngũ lãnh đạo Công ty chưa cao nên môi trường chưa thực sự trong lành. Sự phối hợp của các bộ, ngành trong giải quyết vấn đề của Công ty chưa chặt chẽ, hiệu quả. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan phải đề cao trách nhiệm. Hoàn thiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các kết luận của Bộ Chính trị theo hướng khả thi, hiệu quả trong tháng 8/2022. Cơ quan chức năng của tỉnh quan tâm kiểm tra các điều kiện về môi trường tại Công ty. 

Thủ tướng nêu, Đạm Hà Bắc là một thương hiệu lớn, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì vậy cần quyết tâm tái cơ cấu để nhà máy sản xuất bền vững. “Hiện nay, nhà máy đã có sản phẩm, đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng và có thị trường thì phải cải tiến, nâng cao năng suất lao động mới cạnh tranh được” - Thủ tướng lưu ý.

Với hơn 1,3 nghìn lao động đang làm việc, quanh nhà máy có hàng nghìn hộ sinh sống, vì vậy cần phát triển ngành công nghiệp hóa chất, phân bón xanh, sạch, bền vững; tiếp tục quan tâm bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập phù hợp cho người lao động.  

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá toàn bộ việc xử lý chất thải, nước thải, từ đó khắc phục ngay những bất cập về bảo vệ môi trường. 

UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp xử lý ngay vướng mắc thuộc thẩm quyền, nhất là việc giám sát, kiểm tra, đánh giá tác động môi trường của nhà máy. 

                                                                                                                                                             Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan