Tập trung chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Sáng 10/12, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIX, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu làm rõ thêm về ý kiến chất vấn của đại biểu và một số vấn đề liên quan thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; những vấn đề trọng tâm cần tập trung chỉ đạo năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: BGP

Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh: Chặng đường chống dịch năm 2021 còn bộc lộ những hạn chế như: Hệ thống y tế cơ sở còn thiếu và yếu cả về nhân lực và trang thiết bị, đặc biệt là các miền núi; công tác dự báo mức độ, tình hình dịch có lúc còn chưa chính xác, chưa làm chủ được; chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực sự sâu sát, hiểu biết và kinh nghiệm chống dịch còn yếu; đáng lo ngại một bộ phận doanh nghiệp và người dân còn chủ quan lơ là...

Vì vậy, trong năm 2022, công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là mục tiêu số 1 mà toàn tỉnh phải tập trung thực hiện. Ngoài các biện pháp phòng, chống dịch đang triển khai, Chiến lược phòng, chống dịch của tỉnh sẽ tập trung vào 7 điểm, đó là:

Khẩn trương bao phủ vắc xin 3 mũi cho người dân; hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ em từ đủ 12 đến 18 tuổi để đảm bảo sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Xây dựng ý thức người dân, doanh nghiệp để thích ứng an toàn với COVID (thông qua công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm, giáo dục về phòng dịch)Phổ biến, hướng dẫn kiến thức cho người dân nắm vững về quy trình cách ly và điều trị bệnh tại nhà để không bị động khi có tình huống xảy ra.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng dịch thông qua xét nghiệm tầm soát và công tác quản lý các hoạt động tập trung đông người, củng cố mô hình “Tổ Covid-19 cộng đồng”; “Tổ an toàn Covid doanh nghiệp”; siết chặt giám sát phòng dịch trong khu công nghiệp, tiến tới thành lập sớm trung tâm y tế khu công nghiệp.

Nâng cao năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị, sẵn sàng các kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch; thực hành các phương án cách ly, điều trị ít tốn kém; giảm tối đa bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. Thiết lập cơ chế vận hành hướng dẫn cách ly, điều trị và theo dõi sức khỏe trực tuyến (nhóm zalo, đường dây nóng…); nâng năng lực y tế đáp ứng yêu cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch; đặc biệt là ứng dụng trong lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm, quản lý lao động, quản lý nhà trọ, quản lý phương tiện đi lại…

Huy động và sẵn sàng các nguồn lực (nhân lực, vật lực) cho phòng, chống dịch; rà soát để trang bị các thiết bị, vật tư, hóa chất cho hệ thống y tế cấp huyện, cấp xã; bổ sung máy móc phục vụ xét nghiệm và điều trị cho từng khu vực.

Đổi mới công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng chống dịch trên tinh thần quyết liệt, linh hoạt; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nắm chắc diễn biến dịch; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của tỉnh. Thực tiễn cho thấy hạ tầng giao thông có phát triển đồng bộ mới tạo động lực cho phát triển toàn diện các lĩnh vực KT-XH. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống giao thông của tỉnh chưa thực sự xứng với tiềm năng, lợi thế, còn bộc lộ hạn chế về đấu nối đường; quy mô quy hoạch các tuyến đường nhỏ; chưa khai thác được lợi thế giao thông đường sắt và đường thủy phục vụ phát triển công nghiệp và xuất nhập khẩu.

Để hoàn thiện, đồng bộ hệ thống giao thông phục vụ cho phát triển của tỉnh cũng như đảm bảo nhu cầu dân sinh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn lực, ưu tiên trước cho đầu tư hạ tầng giao thông trong năm 2022 và 2023 để tạo ra đột phá; các khu công nghiệp, khu đô thị ven trục đường cũ đã kín, do đó, phải xây dựng các tuyến đường giao thông huyết mạch trong thời gian tới để phát triển công nghiệp, đô thị.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư để có các nhà đầu tư lớn đầu tư vào xây dựng các khu dịch vụ tổng hợp, logistic, cảng cạn ICD và cảng thủy nội địa dọc các tuyến cao tốc, tuyến sông để khai thác tối đa lợi thế giao thông đường bộ, giao thông đường thủy phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ xuất nhập khẩu.

Đề xuất Bộ Giao thông vận tải cho thành lập ga liên vận quốc tế đường sắt trên địa bàn tỉnh để khai thác giao thông đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa từ Bắc Giang sang Trung Quốc và ngược lại.

Chỉ đạo ngành Giao thông vận tải tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải; hệ thống giao thông đường bộ, các điểm đấu nối, kết nối; quy hoạch chi tiết hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt… xác định và cắm mốc chỉ giới để quản lý, chống lấn chiếm hành lang, dành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông, giảm thiểu chi phí bồi thường và các vấn đề có liên quan đến giải phóng mặt bằng sau này.

Tăng cường quản lý đất đai; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, tỉnh đang phát triển rất nhanh, nhu cầu xây dựng đường giao thông, cầu, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, nhà ở… rất lớn. Nếu không quản lý tốt đất đai sẽ không thể triển khai hoặc triển khai chậm Dự án. Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án chưa được triển khai do không phù hợp quy hoạch sử dụng đất; các công trình giao thông không có đủ đất để san lấp.

Để giải quyết vấn đề trên, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030 ngay sau khi Quy hoạch tỉnh được phê duyệt để các dự án sớm được triển khai thực hiện.

Chấn chỉnh công tác quản lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, khắc phục tình trạng dự án chậm đầu tư, không đưa đất vào sử dụng. Trong năm 2022, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với một số dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất nhưng chủ đầu tư không có năng lực tiếp tục thực hiện dự án; đảm bảo kỷ cương trong quản lý đất đai.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phép khai thác khoáng sản các khu vực trúng đấu giá năm 2020 để sớm đưa vào khai thác giải quyết vấn đề khan hiếm đất để làm hạ tầng; tăng cường ủy quyền cho các huyện, thành phố thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép khai thác khoáng sản san lấp để giảm bớt thời gian thực hiện thủ tục cấp phép, phục vụ nhu cầu nguyên liệu san lấp, đắp nền các công trình xây dựng tại địa phương.

Tăng cường công tác quản lý quy hoạch đất đai và quản lý thị trường bất động sản; ngăn chặn hiệu quả hiện tượng đầu cơ, “thổi giá” gây “sốt ảo”; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư huy động vốn trái phép, vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Số hóa cơ sở dữ liệu đất đai để quản lý một cách đồng bộ, khoa học; quyết liệt chấn chỉnh việc đăng ký Danh mục của UBND các huyện, thành phố, đồng thời chỉ đạo tích cực, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp bền vững, giá trị cao

Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn đạt nhiều kết quả tích cực, sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ thuận lợi; đời sống của bà con nông dân ổn định; nông nghiệp phát huy tốt vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: Không gian phát triển nông nghiệp ngày càng hẹp, ngày càng ít vùng có lợi thế do phát triển công nghiệp, đô thị nhanh; nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới chuyển sang sản phẩm chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc, hướng đến các sản phẩm hữu cơ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và trách nhiệm xã hội; đồng thời với đó là các tiêu chuẩn kỹ thuật có xu hướng ngày càng siết lại; khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số tác động ngày càng sâu rộng, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, kinh doanh và lối sống hàng ngày của mỗi người... đòi hỏi người nông dân phải nhạy bén tiếp cận các kênh tiêu thụ theo phương thức mới; tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa bền vững, đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, công tác bảo quản chế biến kém phát triển, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường bấp bênh, không bền vững.

Để vượt qua các khó khăn, thách thức đó; tiến tới xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp bền vững, giá trị cao, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới UBND tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện, bổ sung chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa tỉnh nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu tổ chức không gian phát triển nông thôn khoa học, hài hòa giữa khu vực thành thị và nông thôn; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn đảm bảo ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất đồng bộ trong nhiệm kỳ mới.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ trong các vùng sản xuất tập trung như hạ tầng thủy lợi, kênh mương nội đồng… để nâng cao giá trị sản xuất, khắc phục điểm hạn chế về không gian sản xuất.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo dư địa cho tăng trưởng thông qua: số hóa vùng sản xuất, xây dựng cơ sở dữ liệu vùng sản xuất, quản lý mã số vùng trồng, mã định danh gắn với thương mại điện tử, ứng dựng thiết bị 4.0 trong sản xuất (máy bay không người lái, tưới tự động hóa, cơ giới hóa).

Chuẩn hóa quy trình sản xuất (Viet Gap, Global Gap, sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học); ứng dụng khoa học công nghệ về giống, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản  để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chất lượng nông sản sau thu hoạch.

Chỉ đạo các địa phương, trọng tâm là huyện Lục Ngạn nghiên cứu giải pháp tổ chức tiêu thụ nâng giá bán nông sản chủ lực, nhất là sản phẩm vải thiều.

Phát triển nhanh đô thị, dịch vụ

Năm 2021, dân số đô thị của tỉnh ước đạt 23%, tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước (cả nước trên 37%) và so với tiềm năng phát triển của tỉnh không tương xứng. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 32,4%; năm 2030 đạt 50-60%.

Để phát triển đô thị, dịch vụ, tỉnh quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phân khu; đảm bảo đồng bộ hạ tầng đấu nối với các quy hoạch chi tiết, đặc biệt là các huyện có tốc độ đô thị nhanh: Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng; có giải pháp kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh; có bước chuyển tiếp hài hòa giữa đô thị và nông thôn trong quy hoạch. Phủ kín quy hoạch chi tiết 1/500 đối với các khu vực trung tâm của các huyện (theo hướng đô thị nén, giảm phân lô bán nền, tăng tỷ lệ nhà ở cao tầng); xây dựng lộ trình kế hoạch cụ thể để đưa các khu vực trung tâm thành các đô thị loại V, loại IV; trong đó phân kỳ rõ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở xã hội, đặc biệt là khu vực xung quanh các khu công nghiệp; có giải pháp về giá để khuyến khích nhu cầu sử dụng và tiếp cận của người lao động, người dân có thu nhập thấp đối với nhà ở xã hội; đánh giá lại dân cư cơ học để có bài toán phát triển đô thị đúng hướng; đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy các khu đô thị, khu dân cư.

Tập trung mọi nguồn lực và các giải pháp đột phá xây dựng huyện Việt Yên trở thành thị xã vào năm 2025; xem xét, đề xuất phương án mở rộng địa giới hành chính để sớm đưa thành phố Bắc Giang trở thành đô thị loại I.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, UBND tỉnh phải quan tâm hàng đầu để đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển nhanh, nóng của tỉnh giai đoạn hiện nay.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ tập trung triển khai và quản lý hiệu quả quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh quy hoạch liên quan của cấp huyện để phù hợp với quy hoạch tỉnh để các dự án được triển khai kịp thời; tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Chủ động mời gọi các tập đoàn lớn trong nước và ngoài nước về đầu tư. Duy trì tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Quyết liệt chuyển đổi số nhất là xây dựng chính quyền số tập trung vào các lĩnh vực: quy hoạch, đất đai, tài nguyên, lao động... Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tư duy của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ sâu về chuyên môn, sát cơ sở, có tinh thần cống hiến, linh hoạt, tư duy mở trong giải quyết vấn đề nhất là các vấn đề khó khăn, phức tạp; quyết tâm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ đúng nghĩa.

Năm 2022, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện toàn bộ chế tài cần thiết để xây dựng chính quyền phục vụ đúng nghĩa: chuyên nghiệp, thân thiện, lấy sự hài lòng của người dân doanh nghiệp là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhất là đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, thông thoáng nhưng có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương./.

                                                                                                                                                                Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan