Sửa đổi luật nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế pháp luật để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng ngay các nguồn lực cho đầu tư phát triển

     Sáng 10/01/2022, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Thay mặt cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan đề xuất sửa đổi một số luật liên quan đến luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

    Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như sự cần thiết ban hành luật; quan điểm xây dựng dự án luật; phạm vi sửa đổi, bổ sung; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án luật với hệ thống pháp luật. Đối với từng điều, khoản cụ thể của các luật, các đại biểu cho ý kiến về sự cần thiết về sửa đổi, bổ sung; nội dung sửa đổi, bổ sung tính hợp lý, tính khả thi của nội dung sửa đổi, bổ sung khi áp dụng vào thực tiễn...

    Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sửa luật nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về thể chế pháp luật để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng ngay các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh trong phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa thủ tục; tạo thuận lợi cho nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Với 3 nguyên tắc đó là lựa chọn một số quy định hiện nay đang có các mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, đang gây vướng mắc, cản trở và yêu cầu cấp bách phải sửa đổi ngay. Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho các địa phương. Thứ ba, những nội dung này phải rõ ràng, có tính độc lập nhất định và có thể kế thừa để sau này chúng ta hoàn chỉnh tiếp theo.

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm một số nội dung có ý kiến đề nghị hết sức thận trọng hoặc chưa phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của các di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới. Theo quy định tại Điều 32 của Luật Di sản văn hóa thì việc xây dựng các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ của di tích, trong đó đã bao gồm di tích thuộc Danh mục di sản thế giới thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Như vậy, quy định này không yêu cầu phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và việc phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án này tại khu vực bảo vệ 2 của di tích là phù hợp và thống nhất với quy định của Luật Di sản văn hóa.

    Để tránh việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến các di sản văn hóa thì Chính phủ đã quy định bổ sung về thẩm định sự phù hợp của dự án, với yêu cầu bảo vệ phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư để tránh tình trạng triển khai rồi mới xin ý kiến và Luật Đầu tư công năm 2020 thì cũng đã phân cấp như vậy, tương tự đối với các địa phương để quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công. Quy định này cũng góp phần đẩy mạnh việc quản lý và tạo cơ chế để theo dõi, giám sát các dự án đầu tư tại khu vực di tích để có cơ sở tham vấn, trao đổi với các tổ chức quốc tế.

    Ở nội dung thứ hai, có nhiều đại biểu phát biểu và tranh luận, đó là nội dung sửa đổi quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở thương mại tại Điều 75 của Luật Đầu tư công hay còn gọi là Điều 23 của Luật Nhà ở, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về sự cần thiết phải sửa đổi, theo quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại của Luật Nhà ở đã phát sinh những vướng mắc này trong một thời gian rất dài từ năm 2014 và cũng đã được sửa đổi tại Điều 75 của Luật Đầu tư năm 2020. Nhưng thực chất vẫn chưa giải quyết được những bất cập đang còn tạo ra những phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc là không có một phần đất ở, dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực hiện nay và thiếu hụt cung cầu về nhà ở làm cho giá của nhà ở có phần tăng lên.

    Thứ hai, các quy định nêu trên thì không thống nhất với quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 29 của Luật Đầu tư và quy định về người sử dụng đất được quyền chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 52, 57, 58 của Luật Đất đai. Thứ ba, theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội thì hiện nay đang còn rất nhiều các dự án thương mại kiểu như thế này đang bị ách tắc, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 150 dự án, Hà Nội còn 102 dự án, Bình Dương có khoảng 40 dự án.

    Về phương án sửa đổi, Chính phủ đề xuất sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư để cho phép các nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, gồm cả 3 loại đất, đó là đất ở; đất ở và các loại đất khác; các loại đất khác mà không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư và không phải qua đấu giá, đấu thầu. Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách để chuyển mục đích sử dụng đất tràn lan. Nội dung đề xuất sửa đổi của Chính phủ đã quy định loại trừ tất cả các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định, bao gồm cả thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu theo quy định của Luật Đất đai hay bán tài sản công theo Luật Tài sản công. Hai là, bổ sung quy định khi chuyển mục đích sử dụng đất thì phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ba là, phải xác định nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng phải theo sát giá thị trường và theo đúng quy định của Luật Đất đai.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi phương án sửa đổi của Chính phủ để lấy ý kiến của các địa phương. Tính đến ngày 31/12/2021 đã có 21/24 địa phương đồng ý với phương án sửa đổi của Chính phủ. Một số địa phương còn đề nghị sửa đổi mạnh mẽ hơn đối với những quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở để tháo gỡ những vướng mắc đối với dự án nhận chuyển nhượng, sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.

    Về ý kiến của dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là một vấn đề rất lớn. Nếu không xử lý, giải quyết thì nó sẽ ách tắc và không khơi thông được các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Nếu làm không chặt chẽ, không thận trọng thì có thể sẽ gây hậu quả như các đại biểu đã nêu. Vấn đề này liên quan đến rất nhiều các luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư cần được nghiên cứu và đánh giá thật cẩn thận trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ và hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

    Qua ý kiến của các đại biểu và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 phương án với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét cho ý kiến chỉ đạo đó là phương án theo Chính phủ trình, với việc phải rà soát lại chặt chẽ quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất. Các việc định giá, đánh giá phải nộp cho ngân sách khi chuyển mục đích sử dụng đất. Phương án 2 là theo đề xuất của Ủy ban Pháp luật, đó là đề nghị xây dựng một đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức sử dụng đất khác mà không phải là đất ở để trình cho Quốc hội vào kỳ họp thứ ba, tháng 5/2022 đối với những người đang có quyền sử dụng đất và phù hợp với cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

    Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án luật để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc có tính cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành luật, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn để ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; đề nghị đánh giá kỹ tác động, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn; đề nghị không sửa đổi một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau.

    Đối với các nội dung sửa đổi của từng luật cụ thể, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến, như thống nhất, phân cấp, phân quyền cho các địa phương khi sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công, tư, Luật Đầu tư, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phân cấp, phân quyền để quản lý chặt chẽ. Có ý kiến thống nhất sửa đổi Luật Nhà ở nhưng cũng có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ hơn, quy định chặt chẽ hơn để tránh trục lợi chính sách, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi luật toàn diện hơn Luật Đấu thầu, cân nhắc việc cho thực hiện trước một số nội dung khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA; đề nghị cân nhắc việc sửa đổi Luật Điện lực; làm rõ tính cấp bách, sự cần thiết phải sửa đổi. Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

                                                                                                                                                          Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Các tin liên quan