Năm 2021, Bắc Giang vẫn tăng trưởng cao hơn dự báo dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19

Năm 2021, tỉnh Bắc Giang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tỉnh Bắc Giang đã vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, trở thành điểm sáng của cả nước về thực hiện “mục tiêu kép”. Phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã phỏng vấn đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về vấn đề này.

Đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Năm 2021, mặc dù Bắc Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, song các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Vậy đồng chí có thể cho biết kết quả nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021?

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn: Năm 2021, mặc dù phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp, có lúc Bắc Giang là tâm dịch của cả nước. Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, người dân, Bắc Giang vẫn đạt được kết quả tích cực. 13/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, có nhiều chỉ tiêu KT-XH của tỉnh Bắc Giang đứng trong tốp 10 của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,82% (cao hơn mức dự báo trước đó) đứng thứ 10 cả nước, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, chuyển đổi số toàn diện đều đứng tốp 10 cả nước... Đây là những kết quả rất đáng phấn khởi trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Thưa đồng chí, không chỉ là điểm sáng trong phát triển kinh tế, Bắc Giang còn là điển hình trong phòng, chống dịch. Và cũng là địa phương đầu tiên của cả nước được tặng Huân chương Lao động vì thành tích chống dịch. Xin đồng chí cho biết kinh nghiệm của Bắc Giang trong lĩnh vực này?

Các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn: Từ thực tế phòng, chống dịch Covid-19, Bắc Giang tổng kết và rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất là phải có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với công tác phòng, chống dịch. Muốn làm được như vậy thì phải làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự thống nhất từ hệ thống chính trị đến doanh nghiệp, người dân và các lực lượng trong phòng, chống dịch.

Thứ hai, phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức khoa học và thực tiễn của cuộc sống để làm tốt phòng, chống dịch bệnh.

Thứ ba, phải làm tốt công tác chấn chỉnh trong thực hiện các quy định, nề nếp, quán triệt thực hiện tốt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch cũng như trong điều hành phát triển KT-XH nói chung.

Chúng tôi thấy việc chấn chỉnh và làm tốt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả rất tốt. Trong quá trình phòng, chống dịch, chúng tôi đã xử lý kỷ luật cán bộ, đình chỉ, tạm đình chỉ rất nhiều cán bộ đứng đầu cấp xã, cấp huyện, do đó nề nếp, kỷ luật kỷ cương trong công việc chống dịch nói riêng và trong điều hành phát triển KT-XH nói chung cũng được cải thiện rất rõ nét.

Để đạt được kết quả trong công tác phòng, chống dịch, chúng tôi thấy còn có một kinh nghiệm nữa đó là làm tốt công tác huy động sự đóng góp của các đoàn thể, Nhân dân trong công tác hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch cũng như những đối tượng khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thưa đồng chí, đánh giá một cách tổng quát thì bên cạnh những điểm sáng trong bức tranh kinh tế thì Bắc Giang vẫn còn tồn tại những hạn chế trong phát triển KT-XH. Vậy đâu là nút thắt, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới là gì thưa đồng chí?

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục vụ việc phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị. Ảnh: BGP/Hải Huyền

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn: Trong 18 chỉ tiêu KT-XH cơ bản thì có 5 chỉ tiêu không đạt, đó là tốc độ GRDP, GRDP bình quân trên người, năng suất lao động, số lượng khách du lịch đến tỉnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cả 5 chỉ tiêu không đạt này đều do yếu tố khách quan là dịch bệnh mang lại.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, năm 2022, Bắc Giang đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó tập trung vào một số nhóm giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, phải làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, coi đây là yếu tố, điều kiện tiên quyết để phục vụ cho việc phát triển KT-XH.

Thứ hai, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục vụ việc phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị.

Thứ ba, phải thực sự làm tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cao công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh thuận lợi nhất.

Thứ tư, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội cùng chung mục tiêu vì sự phát triển của Bắc Giang trong những năm tới, làm tốt công tác dân vận chính quyền để mọi người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cùng chung tay xây dựng Bắc Giang ngày càng phát triển.

                                                                                                                                                              Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan