Làm tốt công tác phối hợp, giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều

Ngày 29/3, UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022". Các ý kiến tại hội nghị đã thể hiện quyết tâm đưa vải thiều Bắc Giang tiếp cận sâu vào thị trường Hoa Kỳ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Những rào cản phải vượt qua

Tại hội nghị, nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức đối với thị trường Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn; tuy nhiên đây lại là thị trường "khó tính", đòi hỏi chất lượng cao, với các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Hiện nay, vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang gặp phải một số khó khăn, nhất là khâu vận chuyển vải thiều bằng đường hàng không do chi phí còn cao. Những năm trước đây chưa có đường bay thẳng từ Hà Nội đến Hoa Kỳ do đó số lượng hàng vận chuyển không được nhiều, vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian, qua đó gây áp lực cho công nghệ bảo quản vải thiều.

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc chưa có Trung tâm chiếu xạ, chi phí về vận chuyển và chiếu xạ lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang sang thị trường Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin giữa doanh nghiệp xuất vải thiều và các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang về thị trường Hoa Kỳ còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận nhu cầu, tiêu chuẩn và thông tin về các doanh nghiệp, đối tác tiềm năng Hoa Kỳ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn khẳng định trong thời gian tới việc thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ còn rất nhiều dư địa. Trong năm 2022, tỉnh Bắc Giang kỳ vọng tăng sản lượng xuất khẩu vải thiều tươi và các sản phẩm rau quả chế biến vào thị trường Hoa Kỳ, coi thị trường Hoa Kỳ là điểm tựa để quảng bá, lan tỏa tiêu thụ vải thiều sang các thị trường khác trên thế giới.

Phân tích sâu hơn về những khó khăn, thách thức vải thiều Bắc Giang cũng như các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đang phải vượt qua, tại điểm cầu Houston, Texas, bà Jolie Nguyễn - đại diện Công ty Dịch vụ Lương Nguyễn cho biết, trong bảo quản trái cây, mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình khu vực sơ chế tập trung và cần phải được bảo quản lạnh ngay từ đầu nhằm giữ được giá trị, chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Muốn vào thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm cần có mã định danh FDA; tuân thủ các quy định về nhãn mác, bao bì, phụ gia, các chỉ tiêu kiểm định mẫu; tuân thủ yêu cầu kiểm định, giấy chứng nhận SGS… Để xuất khẩu một lô hàng thành công sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp phải nghiên cứu thật kỹ thị trường, đánh giá đúng tiềm năng sản phẩm của mình tại thị trường hướng đến...

Bà Đỗ Linh Nhâm - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu mong muốn được tiếp tục hợp tác
với tỉnh Bắc Giang nhằm đưa vải thiều tới người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành

Khẳng định năng lực cũng như mong muốn được tiếp tục hợp tác đưa vải thiều Việt Nam tới người tiêu dùng Hoa Kỳ, bà Đỗ Linh Nhâm - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, Công ty đang phát triển sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm đông lạnh, sản phẩm đồ hộp, sản phẩm nước ép trái cây vào các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng năm, Công ty nhập khẩu từ 100 nghìn tấn đến 150 nghìn tấn nguyên liệu. Riêng vải thiều là loại quả đặc thù khác hẳn với các loại trái cây khác nên kỹ thuật bảo quản khó hơn.

Để đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ, Công ty đã đưa ra quy trình 6 bước (kiểm tra dư lượng; thu hoạch, sơ chế; vận chuyển chiếu xạ tại TP. Hồ Chí Minh; bảo quản lạnh sau chiếu xạ; di chuyển hàng ra sân bay). Tuy nhiên, vải thiều khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ của Công ty đang gặp phải một số khó khăn như: Vận chuyển bằng đường hàng không chi phí cao, vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian từ 30-35 ngày, gây áp lực cho công nghệ bảo quản.

Do vậy, để tiếp tục khắc phục những bất cập, bà Đỗ Linh Nhâm mong muốn nhận được sự phối hợp của các đối tác tham gia vào các bước trong quy trình, qua đó tạo ra một luồng nhanh nhất có thể đưa trái vải từ Việt Nam tới người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Ông Hồ Quang Tuấn - Đại diện lãnh đạo Vietnam Airlines luôn ưu tiên tạo luồng phục vụ riêng cho mặt hàng vải thiều Bắc Giang.

Để tháo gỡ những khó khăn về vận chuyển, ông Hồ Quang Tuấn - đại diện Vietnam Airlines cho biết, trong những năm gần đây, Vietnam Airlines luôn chủ động tìm hiểu thị trường, khảo sát các vùng trồng vải tại Bắc Giang và các địa phương khác, kết nối với các công ty, đối tác vận chuyển vải quả để tạo hệ sinh thái, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ vải quả nhanh chóng, thuận lợi nhất.

Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vụ vải thiều năm 2021, Vietnam Airlines bố trí nguồn lực để đưa vải thiều Bắc Giang lần đầu “ngồi” ghế khoang hành khách đi các hành trình nội địa và nhiều nước như: Nhật, Châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Séc, Hà Lan), Úc... Năm nay, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang, các doanh nghiệp đưa quả vải thiều đi khắp mọi miền Tổ quốc cũng như vươn ra thị trường thế giới.

Hiện Vietnam Airlines đang khai thác đến trên 30 điểm đến các nước Châu Âu, Châu Á, Đông Nam Á,... Sẵn sàng cung ứng 180 - 200 tấn vải/ngày trên các chuyến bay Nội địa và dành khoảng 20% tải trên các chuyến bay quốc tế để vận chuyển vải thiều. Vietnam Airlines cũng ưu tiên tạo luồng phục vụ riêng cho mặt hàng này, rút ngắn thời gian từ khi tiếp nhận đến lúc phát hàng; giới thiệu vải thiều Bắc Giang trên các chuyến bay và sàn thương mại điện tử của hãng.

Tại điểm cầu Washington, Hoa Kỳ bà Hoàng Thị Thanh Nga - Tham tán công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, việc đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho người nông dân mà giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ thưởng thức được sản phẩm đặc biệt này. Để rộng đường xuất khẩu, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa về thông tin cũng như kết nối, quảng bá tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang đến các đối tác, địa phương tại Hoa Kỳ.

Một số sản phẩm xuất khẩu được trưng bày tại hội nghị.

Đánh giá về thị trường Hoa Kỳ đối với trái vải Việt Nam, ông Bùi  Huy Sơn - Tham tán Công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin, Hoa Kỳ là thị trường lớn, có trên 331 triệu dân với sức tiêu thụ lớn. Người dân Hoa Kỳ ngày càng chú trọng hoa quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, khẩu vị chung ăn nhiều đồ ngọt. Nhóm khách hàng tiêu thụ vải thiều chính hiện nay ở Hoa Kỳ là cộng đồng dân cư gốc Á ngày càng lớn mạnh. Nhóm này tập trung tại các đô thị lớn thuộc các bang bờ Tây như California, Colorado, Washington, bờ Đông như Virginia, Maryland, Florida và phía Nam là Texas.

Do vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng khai thác chuỗi phân phối tại các chợ, trung tâm thương mại gốc Á. Trong cộng đồng kiều bào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có kinh nghiệm nhập khẩu, phân phối các sản phẩm, đặc biệt là nông sản, thực phẩm của Việt Nam.

Ông Bùi Huy Sơn cho rằng, trong giai đoạn đầu hiện nay, Bắc Giang cần khuyến khích, hỗ trợ sự tham gia của các doanh nghiệp gồm 3 nhóm:

Một là, các hãng vận tải như Vietnam Airlines, Bamboo Airways,… để giảm cước vận chuyển trái vải vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và các thị trường khác.

Hai là, khuyến khích các doanh nghiệp logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hóa mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu.

Ba là, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó ngoài vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm xuất khẩu hoa quả tươi quốc tế, cần khuyến khích, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy thế mạnh của mình tích cực tham gia xuất khẩu. Trong nhóm này, không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp nhập khẩu tại Mỹ, trước mắt là các doanh nghiệp Việt Kiều giúp tiêu thụ hàng hóa tại các chuỗi chợ, trung tâm thương mại Châu Á.

Ông Nguyễn Đình Phú - Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ phát biểu tham luận tại hội nghị.

Ông Nguyễn Đình Phú - Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ cho biết: Quả vải thiều của Việt Nam được cấp phép từ 2014, tuy nhiên sản lượng thấp, do chi phí vận chuyển cao và kỹ thuật bảo quản còn nhiều hạn chế. Mặc dù còn nhiều gian nan thử thách nhưng vệc đưa vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ là rất cần thiết, không chỉ đáp ứng nhu cầu của Kiều bào Việt Nam định cư tại nước ngoài mà còn đáp ứng nhu cầu người dân Hoa Kỳ luôn mong muốn được thưởng thức trái vải.

Hội Doanh nhân người Việt tại Hoa Kỳ cam kết bằng mọi giải pháp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và chính quyền Bắc Giang tiếp tục đưa vải thiều Bắc Giang lên những kệ hàng tại các siệu thị, trung tâm thương mại của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Phát biểu tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Giang, bà Melissa Bishop - Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, vải thiều của Bắc Giang có giá trị lớn, giá trị đó được thể hiện qua sự khao khát của nhiều người dân trên thế giới muốn có cơ hội để thưởng thức, trong đó có cả người dân Hoa Kỳ. Để tiếp tục tạo giá trị cho quả vải thiều Bắc Giang, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể trao đổi hợp tác nhiều hơn nữa trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

Đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Bắc Giang trong thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang Hoa Kỳ, bà Melissa Bishop cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, rào cản thương mại để Việt Nam có thể tham gia xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng nông sản, nhất là trái vải thiều Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ./.

                                                                                                                                                              Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan