Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2021

Ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022. Đồng chí Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ô Pich - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Đồng chí Lê Ô Pich - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Thu Hằng

Năm 2021, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Vì vậy, năm 2021 ngành Nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao, thể hiện ở trong các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp.

Trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn, kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu trong điều kiện khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong trong thời gian tới như: Cơ cấu lại nông nghiệp mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều; việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn chậm.

Năm 2022, ngành Nông nghiệp đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 2,8 - 2,9%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên 2,9 - 3%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 49 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/Thu Hằng

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề còn tồn tại của ngành Nông nghiệp trong năm 2021. Một số đại biểu đề xuất Chính phủ về những nội dung như hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh; chính sách trồng rừng gỗ lớn; ban hành cơ chế, chính sách đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn; ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng mặt trời; hạn chế việc sử dụng diện tích đất nông nghiệp xây dựng các công trình; sớm ban hành pháp lý việc xử lý mạo danh nguồn gốc, tem, nhãn hàng hóa nông sản; bảo hộ nông sản trong nước, nước ngoài. Một số hiệp hội, ngành hàng cũng đề nghị Chính phủ linh hoạt về lãi suất và thời gian trả nợ vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành Nông nghiệp. Đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và phân tích nguyên nhân của những thành tựu đạt được.

Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp nâng cao tầm chiến lược, tổ chức hiệu quả để mang lại giá trị cao hơn, đặt mục tiêu tăng tưởng từ 3% trở lên trong năm 2022. Đồng thời bám sát cụ thể hóa đường lối chủ trương và chính sách phát triển, coi trọng công tác xây dựng chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa tư duy đổi mới. Rà soát thể chế để phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng chiều sâu, phát triển năng suất lao động dựa vào chuyển đổi số trong thời đại công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền theo cá thể chịu trách nhiệm. Nâng cao năng lực, trí tuệ phẩm chất cán bộ, nhất là người đứng đầu để tập trung vào hiệu quả của ngành Nông nghiệp. Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trong nước. Xây dựng cạnh tranh, nâng cao thương hiệu tận dụng tối đa chính sách từ các Hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Nông nghiệp quan tâm sản xuất sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt là thẻ vàng EC hiện nay vẫn chưa được tháo gỡ nên mục tiêu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Các Bộ, ngành quan tâm bao phủ vắc xin cho toàn dân, phát triển kinh tế vùng, nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân vùng sâu xa, đảm an sinh xã hội vùng nông thôn, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao./.

                                                                                                                                              Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan