Hiệp Hòa: Đổi thay sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới

Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Hiệp Hòa có xuất phát điểm thấp nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng với sự đồng lòng của Nhân dân, sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện Hiệp Hòa đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương.

Nông thôn mới tại các địa phương của huyện Hiệp Hòa đang khởi sắc từng ngày. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực

Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, KT-XH của huyện còn khó khăn, xuất phát điểm XDNTM của các xã thấp, bình quân đạt 7,1 tiêu chí/xã, thu nhập thấp đạt 11,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 8,6%. Trong đó, một số tiêu chí như: Giao thông, thủy lợi tỷ lệ cứng hóa ở nhiều xã còn đạt thấp so với quy định; hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục tại nhiều nơi còn thiếu thốn, chưa đạt chuẩn theo quy định… 

Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến thành công trong XDNTM nên ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện và trong suốt quá trình XDNTM, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm, coi nhiệm vụ thực hiện Chương trình MTQG XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Do đó, trong Đại hội Đảng bộ huyện Hiệp Hòa nhiệm kỳ 2020-2025 đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 24/7/2020, xác định mục tiêu huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2021 là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm thực hiện.

UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 19/02/2021 về việc xây dựng huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM trong năm 2021; chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương tập trung cho các xã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và hoàn thiện tiêu chí cấp huyện, tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải, hoàn thiện thiết chế văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường...

Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục trong huyện được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Xuyên suốt giai đoạn 2010-2020, với phong trào thi đua “Hiệp Hòa chung sức XDNTM”, huyện đã tích cực huy động các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp nguồn lực XDNTM, theo tinh thần tự nguyện, không huy động quá sức, đồng thời quyết tâm không để nợ đọng trong XDNTM. Qua các phong trào thi đua đã huy động được nguồn lực lớn trong Nhân dân và các thành phần kinh tế cùng chung tay XDNTM.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, từ 2011 đến nay, tổng vốn huy động XDNTM trên địa bàn đạt hơn 4.635 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách chiếm 62,36%, vốn huy động các doanh nghiệp chiếm 3,63% và vốn đóng góp cộng đồng dân cư chiếm 33,9%. Toàn huyện đã vận động người dân hiến trên 400.462 m² đất, trên 580 nghìn ngày công lao động, phá dỡ 106.241 m² tường rào để xây dựng công trình công cộng cho Chương trình.

Song song với với việc tuyên truyền, huy động sức dân cùng chung tay xây dựng NTM, huyện cũng phát động các phong trào thi đua “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” , “hỗ trợ khởi nghiệp nông thôn”… Ban Chỉ đạo huyện đã tham mưu cho UBND huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ xây dựng NTM phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tiễn của địa phương, điển hình như: Hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn 2-3 tỷ đồng/xã NTM, 2-4 tỷ đồng/xã nâng cao, 300- 400 triệu đồng/thôn kiểu mẫu....

Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Từ đó, nhiều gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu, giảm nghèo bền vững, phát triển giao thông, thủy lợi xuất hiện và được khen thưởng, nhân rộng. Tạo thêm niềm tin, hứng khởi trong các tầng lớp Nhân dân, làm cho không khí thi đua tại các địa phương trên địa bàn thêm phần hăng hái, sôi nổi.

Điển hình như mô hình sản xuất kinh doanh doanh cần - cá của Tổ hội phụ nữ thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương. Với quy mô 2 ha các tổ viên hội phụ nữ ở chi hội thôn Đại Thắng đã tự nguyện tham gia mô hình “tổ phụ nữ liên kết sản xuất - kinh doanh cần - cá”. Mô hình đến nay thu hút được hơn 10 thành viên, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thanh – Thành viên trong Tổ hợp tác cho biết, sau khi tham gia mô hình, hiệu quả kinh tế của các hộ dân được tăng lên đáng kể từ mức 3 triệu đồng/tháng/hộ thành viên lên 5 triệu đồng/tháng/hộ thành viên. Ngoài việc tham gia mô hình sản xuất giúp nhau làm giàu, các thành viên tham gia Tổ liên kết còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi ý kiến, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế cũng như chăm sóc gia đình, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, tham gia bảo vệ môi trường đường làng, ngõ xóm. Từ đó tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên, giúp nhau đoàn kết cùng chung sức làm giàu trên chính mảnh đất mình và xây dựng gia đình hạnh phúc ấm no.

Cùng với xây dụng các mô hình liên kết sản xuất, việc áp dụng vào sản xuất theo hướng liên kết, chuỗi giá trị là hướng đi bền vững mà hiện nay nhiều địa phương trong huyện Hiệp Hòa đang tích cực triển khai áp dụng. Qua đó, xuất hiện một số mô hình liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình liên kết sản xuất khoai tây tại các xã Danh Thắng, Lương Phong, Đoan Bái, Bắc Lý, Đông Lỗ cho thu nhập bình quân đạt 80 - 90 triệu/ha/năm, cao hơn so với sản xuất thông thường 25 - 25 triệu/ha. Mô hình liên kết sản xuất lúa giống tại các xã: Xuân Cẩm, Đoan Bái, Danh Thắng, Hoàng An, Thái Sơn, Châu Minh, Ngọc Sơn, Hùng Sơn, Lương Phong, Mai Trung, Hương Lâm, Bắc Lý, Đồng Tân, với các giống lúa VNR20; TBR225; BC15; Bắc Hương9... cho giá trị kinh tế cao hơn lúa thuần từ 5 - 6 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình liên kết rau mầu tập trung ở một số xã như: Hợp Thịnh, Đông Lỗ, Hoàng Vân, Hoàng Lương... với tổng diện tích hàng năm đạt 250 ha, doanh thu ước đạt 55 tỷ đồng cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 10 - 15%.

Nhiều hộ nông dân trong huyện đã tích cực áp dụng các mô hình sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Ông Nguyễn Văn Nghiệp - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đồng Tâm 3 xã Thường Thắng cho biết, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương thông quan nguồn vốn vay ưu đãi và áp dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, HTX Đồng Tâm 3 đã mở rộng quy mô diện tích sản xuất lên đến 14 ha, trong đó chủ yếu tập trung sản xuất theo mô hình nhà màng, nhà lưới, với các sản phẩm là: Nho hạ đen, Dưa lưới, Dưa chuột bao tử, lạc đen... Đây đều là những sản phẩm được thị trường đánh giá cao về chất lượng và được một số doanh nghiệp liên kết tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong nước. Tổng doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng trên 9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt hơn 2 tỷ đồng/năm, đảm bảo việc làm cho 52 xã viên với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Với nhiều cơ chế hỗ trợ cho các mô hình sản xuất, đến hết năm 2020 toàn huyện Hiệp Hòa có 99 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 100% các HTX đều hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đảm bảo hiệu quả. Qua đó, giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, từ sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún sang hướng sản xuất hàng hóa, từ đó sản phẩm hàng hóa chủ lực của các địa phương được xác định để phát triển.

Tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Phát huy vai trò chủ thể

Có thể nói, sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG XDNTM, sự thay đổi về nhận thức, tư duy của người dân trong huyện ngày càng tăng lên. Đến nay, người dân cơ bản đã nhận thức được đúng ý nghĩa, bản chất, mục đích của chương trình. Người dân cũng đã xác định được vai trò chủ thể của mình, chủ động tự giác thực hiện, từ chỗ hưởng thụ bị động chuyển sang dần chủ thể chủ động; tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn, ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn. Diện mạo nông thôn được thay đổi một cách toàn diện, kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn.

Tuy nhiên, dù đã có những thay đổi và chuyển mình lớn, song quá trình triển khai Chương trình XDNTM ở huyện Hiệp Hòa cũng gặp không ít khó khăn, do nguồn lực đầu tư cho XDNTM lớn trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện cho các xã đạt chuẩn NTM còn hạn chế; nguồn thu của các xã còn khó khăn; thu nhập của một số hộ dân ở nông thôn còn thấp.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn Châu Phi và dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, thu nhập của người dân, tác động đến việc huy động nội lực XDNTM của Nhân dân.

Cùng đó, đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM ở một số xã còn chưa tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình; trong quá trình thực hiện trải qua hai kỳ Đại hội Đảng bộ và HĐND các cấp, một số xã cũng như huyện có sự thay đổi lãnh đạo chủ chốt, thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính ở xã nên cũng ảnh hưởng đến quá trình XDNTM.

Duy trì, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Trước những thành tích đạt được cũng như những hạn chế còn tồn tại, Bí thư Huyện ủy Ngô Tiến Dũng nhấn mạnh, XDNTM có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó để thực hiện tốt hơn nữa việc thực hiện Chương trình XDNTM trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền trong địa bàn huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên duy trì phát triển các tiêu chí NTM từ cấp huyện đến cấp cơ sở; phát huy vai trò của người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các tiêu chí; tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng Nhân dân nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân.

Với phương châm “Người dân là chủ thể - Công tác tuyên truyền là giải pháp hàng đầu - Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định”. Do vậy, trong thực hiện huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từng nội dung phải được Nhân dân bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch để tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Gắn XDNTM với tái cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, là nhân tố quyết định thành công trong XDNTM.

Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến thăm gian hàng trưng bày rau của quả VietGap
của các HTX nông nghiệp. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Nhận xét về công tác triển khai XDNTM của huyện Hiệp Hòa, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến cũng đã đánh giá cao những kết quả nổi bật mà huyện Hiệp Hòa đạt được trong quá trình triển khai thực hiện chương trình NTM. Hiệp Hòa đã làm rất tốt công tác huy động nguồn lực cũng như chỉ đạo triển khai các xã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống được huyện gìn giữ, phát huy; cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục được đầu tư phát triển toàn diện…

Bằng những nỗ lực của chính quyền và Nhân dân trong huyện, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến đã khẳng định Hiệp Hòa đã đảm bảo đủ các điều kiện đạt chuẩn huyện NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia về triển khai thực hiện xây dựng huyện NTM.

Đây chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong toàn huyện tiếp tục phát huy, phấn đấu xây dựng huyện Hiệp Hòa đạt các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra./.

                                                                                                                                                                        Theo Bacgiang.gov.vn

Các tin liên quan