Cấp điện cho phát triển công nghiệp: Đầu tư hạ tầng, bổ sung nguồn

(BGĐT) - Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm lĩnh vực công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn ở mức cao.  Với việc được bổ sung, mở rộng một loạt khu, cụm công nghiệp (CCN) sắp tới, vấn đề bảo đảm cung cấp điện đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách.

Giai đoạn 2010- 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân điện thương phẩm lĩnh vực công nghiệp - xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt mức gần 20%, là một trong những tỉnh gia tăng nhanh nhất toàn quốc. Theo Sở Công Thương, sản lượng điện tiêu thụ tại các khu công nghiệp (KCN) liên tục tăng ở mức hai con số, năm 2019 khoảng 63% và năm 2020 là 44%.

Công nhân bảo dưỡng hệ thống điện tại Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên).

Công nhân bảo dưỡng hệ thống điện tại Khu công nghiệp Vân Trung (Việt Yên).

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, gồm: KCN Yên Lư (Yên Dũng), KCN Yên Sơn - Bắc Lũng (Lục Nam) và KCN Tân Hưng (Lạng Giang). Đồng thời mở rộng các KCN Quang Châu, Hòa Phú và Việt Hàn. Các doanh nghiệp khi triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều đặc biệt quan tâm đến cơ sở hạ tầng, trong đó bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục là vấn đề hàng đầu.

Trao đổi với ông Thân Đức Thống, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Điện lực Bắc Giang được biết, đơn vị đã chủ động rà soát và có phương án cấp điện cho các KCN sắp được thành lập mới và mở rộng diện tích. Đối với KCN Yên Lư, Công ty điều chỉnh quy hoạch tiến độ trạm biến áp (TBA) 110kV Yên Lư, quy mô hai máy công suất 63MVA, trong đó một máy đưa vào vận hành năm 2022, máy còn lại hoạt động trong năm 2025. Tại KCN Yên Sơn - Bắc Lũng sẽ nâng TBA 110kV Bắc Lũng từ hai máy 40MVA lên hai máy 63MVA. 

Hiện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đang triển khai xây dựng, dự kiến máy biến áp đầu tiên sẽ vận hành vào năm 2022. KCN Quang Châu được bổ sung quy hoạch TBA 110kV Quang Châu 2, công suất ba máy 63MVA, theo kế hoạch, máy biến áp T1 sẽ đưa vào vận hành trong năm nay. KCN Hòa Phú được bổ sung điều chỉnh quy hoạch TBA 110kV Sông Cầu từ hai máy 40MVA lên ba máy 63MVA... Những tháng đầu năm, Công ty Điện lực Bắc Giang đôn đốc các đơn vị thi công, tư vấn giám sát tập trung tối đa nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án điện theo đúng kế hoạch, cam kết. Phối hợp với các địa phương tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng, dựng cột, kéo dây.

Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang có 72 cụm công nghiệp và 33 khu công nghiệp. Tỉnh quy hoạch mạng lưới điện 220kV đến năm 2025 có công suất 3.250MVA và đến năm 2030 nâng lên 6.500MVA.

Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu điện cung cấp cho sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng mạnh, hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào tỉnh. Trong khi đó, nguồn điện được điều tiết cho Bắc Giang chủ yếu từ Quảng Ninh, Hải Dương, trên địa bàn tỉnh chỉ có hai nguồn chính là Nhà máy nhiệt điện Sơn Động và bộ phận phát điện của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đức Hoàn cho biết, để khắc phục khó khăn do thiếu nguồn điện, Sở tham mưu với UBND tỉnh làm việc cùng Tập đoàn Điện lực, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc ưu tiên, bố trí nguồn cho tỉnh Bắc Giang.

Hiện nay, việc xây dựng mới trạm 500kV công suất 900MVA tại huyện Lục Nam đang được tích cực xúc tiến; đồng thời xây dựng 6 TBA (toàn tỉnh hiện có 3 trạm) và 134 km đường dây 220kV; bổ sung hơn 40 TBA, cải tạo, nâng công suất 10 trạm 110kV để đạt mức 6.492MVA. Phấn đấu đạt mục tiêu mỗi KCN có ít nhất hai TBA 110kV, các CCN được sử dụng nguồn từ các trạm hiện có.

Một số dự án phát triển nguồn cung cấp điện cũng được đốc thúc đẩy nhanh tiến độ như Nhà máy nhiệt điện An Khánh công suất 600MW, Nhà máy nhiệt điện Sơn Động 2 công suất 220MW. Sở Công Thương đề xuất bổ sung xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện từ xử lý rác, điện gió, điện áp mái ở các khu, CCN thuộc các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang...

Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Bắc Giang và Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết để giúp các doanh nghiệp tiếp cận điện năng nhanh nhất, khẩn trương đầu tư và đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định. Với các giải pháp đó, việc khắc phục những hạn chế trong hạ tầng hệ thống điện sẽ sớm được khắc phục. Hoạt động cung cấp điện ổn định cho sản xuất công nghiệp, bảo đảm đủ nhu cầu của các doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, qua đó tiếp tục đưa Bắc Giang trở thành điểm sáng thu hút các nhà đầu tư.

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Bài, ảnh: Quốc Phương).

Các tin liên quan