Trang chủ » Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Rà soát từng dự án để giải ngân tối đa vốn ODA
  • Thứ ba, 03-11-2020 |
  • Tin tức kinh tế |
  • 38 Lượt xem

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Rà soát từng dự án để giải ngân tối đa vốn ODA

(BGĐT) – Sáng 29/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn ưu đãi nước ngoài năm 2020. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa […]

(BGĐT) – Sáng 29/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn ưu đãi nước ngoài năm 2020. Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì. Đồng chí Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cùng dự.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/10/2020 kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ODA đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn giải ngân của các bộ, cơ quan T.Ư là 5.824 tỷ đồng, đạt 27,07%  dự toán được giao; vốn giải ngân của các địa phương hơn 12 nghìn tỷ đồng, đạt 31,87%. Đối với kế hoạch đầu tư công vốn ODA năm 2019 kéo dài thực hiện và giải ngân sang năm 2020, tính đến ngày 31/10/2020 ước giải ngân hơn 10 nghìn tỷ đồng, đạt gần 70%.

Tại tỉnh Bắc Giang, giá trị giải ngân vốn ODA đến nay đạt hơn 132 tỷ đồng, bằng 30,7% so với kế hoạch được giao. Trong đó, giải ngân vốn năm 2019 chuyển nguồn sang năm 2020 đạt hơn 67 tỷ đồng, bằng gần 72% so với kế hoạch; giải ngân vốn giao năm 2020 đạt hơn 64 tỷ đồng, bằng 19,14% so với kế hoạch. Căn cứ tình hình thực tế triển khai các dự án, dự kiến đến hết năm 2020, giá trị giải ngân toàn tỉnh đạt hơn 430 tỷ đồng, bằng 58,06% so với kế hoạch.

Thảo luận tại hội nghị, ý kiến các đại biểu cho rằng, tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA chậm có nhiều nguyên nhân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều dự án gặp khó khăn trong việc nhập máy móc, thiết bị, huy động các chuyên gia nước ngoài. Ví dụ dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 có hơn 100 chuyên gia nước ngoài không đến được Việt Nam theo kế hoạch.

Nhiều bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được. Ví như dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai một số tỉnh miền Trung. Việc thiếu vốn đối ứng để trả thuế VAT cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc hấp thụ, giải ngân nhiều chương trình, dự án hiện nay.

Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế một số dự án không bảo đảm yêu cầu, phải điều chỉnh lại thiết kế, gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn…

Các ý kiến đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cơ chế phối hợp, về thời gian thẩm định đối với đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính khẩn trương hoàn tất các thủ tục để giải ngân hết số vốn kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước chưa giải ngân tính đến ngày 31/8/2020…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ODA là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Vì vậy, từng bộ, ngành, địa phương tập trung cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này. Đặc biệt, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn để giải ngân vốn theo kế hoạch đề ra.

Các ngành, địa phương có giải pháp bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA; thực hiện nghiêm việc điều chuyển, tránh tình trạng trả lại vốn. Các cơ quan chủ quản, các tỉnh, TP khẩn trương rà soát số vốn còn lại để đôn đốc chủ đầu tư thực hiện, có khối lượng cụ thể để giải ngân tối đa.

Hằng tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng điều chuyển vốn, tránh tình trạng ghi danh mục dự án mà không có vốn đối ứng. Bộ Tài chính xem xét đơn giản hóa thủ tục hành chính ở một số khâu…

Người đứng đầu các cấp quan tâm hơn nữa tới trong công tác chỉ đạo, không để xảy ra tình trạng “có tiền mà không tiêu được”. Chính phủ xem xét khen thưởng các tỉnh làm tốt, phê bình địa phương yếu kém trong công tác này.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đồng chí Dương Văn Thái yêu cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT); UBND TP Bắc Giang; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT tỉnh…báo cáo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo, đồng chí đề nghị các sở, ngành cần tăng cường rà soát từng dự án, trên cơ sở đó xây dựng rõ biểu kế hoạch để có căn cứ giải ngân. Tỉnh sẽ xem xét quy trách nhiệm cho người đứng đầu các sở, ngành có kết quả giải ngân vốn đạt thấp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét cấp bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với đơn vị tư vấn, hoàn thiện các thủ tục để khởi công các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA. UBND TP Bắc Giang cần rà soát, nắm rõ nguồn vốn đã giải ngân, số vốn còn lại của từng gói thầu, từng dự án, từ đó có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

 

Nguồn: Báo Bắc Giang (Minh Linh).

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Default Image

Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 4/1 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong năm 2022 là 60,98 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, theo đó...

Default Image

Lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng hơn 27 nghìn người

  Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm này trong các KCN của tỉnh có hơn 174 nghìn lao động đang làm việc, tăng hơn 27 nghìn người so với thời điểm tháng 7 năm trước. Công nhân của Công ty...

1

Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới

  Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Ban Chỉ đạo xây...

Default Image

Bắc Giang: 22 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú

  Thời gian qua, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa) phối hợp với chính quyền địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng và đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công...

1

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022

   Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa. Nguồn: MPI Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải...