Tăng tốc thu ngân sách những tháng cuối năm
(BGĐT) – So với năm trước, năm nay, hoạt động thu ngân sách của tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Quyết tâm hoàn thành dự toán cả năm, chính quyền các cấp và ngành Thuế đang thực hiện quyết […]
(BGĐT) – So với năm trước, năm nay, hoạt động thu ngân sách của tỉnh Bắc Giang gặp nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Quyết tâm hoàn thành dự toán cả năm, chính quyền các cấp và ngành Thuế đang thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách.
Xác định rõ các khoản thu giảm
![]() |
Công ty cổ phần Tổng Công ty May Lạng Giang LGG là một trong những doanh nghiệp nộp thuế cao được biểu dương, khen thưởng năm 2019. |
Theo Cục Thuế tỉnh, 8 tháng qua, thu ngân sách nội địa toàn tỉnh đạt 5.490 tỷ đồng, bằng gần 62% dự toán năm, giảm gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 16 khoản thu, toàn tỉnh chỉ có 3 khoản vượt kế hoạch năm, đó là: Thu từ DN nhà nước địa phương, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, thu khác ngân sách. 7 khoản thu đạt thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó một số khoản chỉ đạt 53,8% đến hơn 68% so với dự toán năm như: Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu xổ số kiến thiết.
Thời điểm này, toàn tỉnh có duy nhất huyện Lục Ngạn hoàn thành dự toán với tổng số thu hơn 200 tỷ đồng, vượt gần 14% so với kế hoạch giao. Hầu hết các địa phương còn lại thu ngân sách chỉ đạt 35-67% dự toán. Huyện Yên Dũng thu được hơn 207/591 tỷ đồng; TP Bắc Giang thu gần 990/2.260 tỷ đồng. Các huyện Lạng Giang, Lục Nam thu ngân sách đạt hơn 51% dự toán năm.
Ông Lương Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang – Lục Nam cho rằng, sở dĩ số thu ngân sách những tháng qua đạt thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều DN hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm kéo theo số thuế nộp đạt thấp. Đó là chưa kể có DN gặp khó khăn, để xảy ra nợ đọng thuế.
Tại các huyện Việt Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang…, hàng loạt DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, có thời điểm không xuất khẩu được để tồn kho, chậm nộp thuế. Theo rà soát của Cục Thuế tỉnh, thời gian qua, trong tỉnh có nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 được gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất từ 3-6 tháng, có khoản được gia hạn đến ngày 31/12/2020 theo quy định tại Nghị định số 41 ngày 8/4/2020 của Chính phủ; tổng số tiền gia hạn gần 280 tỷ đồng. Việc gia hạn nhằm tạo điều kiện cho các DN khôi phục sản xuất, kinh doanh song khiến số thu ngân sách bị hụt so với dự toán.
Nguyên nhân nữa là những tháng đầu năm nay, hầu hết các huyện, TP giảm số cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở do giãn cách xã hội và thị trường trầm lắng tại một số vị trí đấu giá nên số thu tiền sử dụng đất đạt thấp. Lý giải về khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt thấp, đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho rằng những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh dừng cấp giấy phép hạ độ cao cốt nền vận chuyển đất san lấp để tăng cường công tác quản lý, đồng thời rà soát các mỏ khoáng sản đưa vào quy hoạch để tổ chức đấu giá vào tháng 8 và tháng 10 nên nguồn thu này sẽ tập trung vào cuối năm.
Khai thác triệt để các nguồn thu
![]() |
Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Lạng Giang – Lục Nam rà soát hồ sơ kê khai thuế của các doanh nghiệp. |
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10 về việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối ngân sách địa phương năm 2020. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, UBND các huyện, TP thực hiện ngay các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh; đôn đốc DN nộp sớm hoặc đúng hạn các khoản thuế được gia hạn.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách. Cục Thuế tỉnh, Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp tỉnh thực hiện hiệu quả các biện pháp bù đắp giảm thu do ảnh hưởng bởi dịch. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản theo từng điểm mỏ hằng quý để chuyển cho cơ quan thuế quản lý thu…
Theo Cục Thuế tỉnh, năm nay tỉnh giao dự toán thu ngân sách nội địa hơn 8.864 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch này, từ nay đến hết năm ngành thuế cần thu thêm hơn 3.374 tỷ đồng. |
Ông Phạm Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, năm nay, tỉnh giao dự toán thu ngân sách nội địa hơn 8.864 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch này, từ nay đến hết năm, toàn tỉnh cần thu thêm hơn 3.374 tỷ đồng.
Số thu này tương đối lớn trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Xác định rõ khó khăn đặt ra, đơn vị đã phân tích, đánh giá các khoản thu; xây dựng kế hoạch, giao số thu cụ thể cho các phòng chuyên môn và các chi cục thuế khu vực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để xét thi đua cuối năm của các đơn vị; đôn đốc, thu hồi nợ thuế để bù vào khoản hụt thu.
Nhiều giải pháp được ngành thuế thực hiện, đó là phân công cán bộ làm việc trực tiếp với tổ chức, cá nhân nợ thuế. Trong đó, Cục trưởng Cục thuế sẽ làm việc với đơn vị nợ thuế từ 3 tỷ đồng trở lên để đôn đốc thu nợ; Phó Cục trưởng làm việc với các đơn vị nợ từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng, còn lại là giao cho các phòng chức năng. Ban hành thông báo số nợ, đôn đốc bằng điện thoại, văn bản tới hàng nghìn lượt DN nợ thuế, cưỡng chế bằng cách trích tài khoản tại ngân hàng và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kịp thời xử lý các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế.
Đối với một số đơn vị nợ thuế chậm nộp sau khi đôn đốc nhiều lần mà vẫn “chây ì”, Cục Thuế công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bằng các giải pháp này, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thu nợ đọng thuế hơn 550 tỷ đồng, trong đó có 150 tỷ đồng nợ thuế của năm ngoái, còn lại là nợ phát sinh năm nay…
Cùng với các giải pháp trên, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các đơn vị thường xuyên giám sát chặt chẽ các khoản thu hiện tại để đôn đốc người nộp thuế, nhất là những khoản thu không bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Khai thác triệt để các nguồn thu thuế vãng lai trong hoạt động xây dựng, lắp đặt thiết bị, chuyển nhượng bất động sản, thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh vận tải, cho thuê nhà xưởng ở các khu, cụm công nghiệp…
Nguồn: Báo Bắc Giang (Minh Linh).
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 4/1 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong năm 2022 là 60,98 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, theo đó...

Lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng hơn 27 nghìn người
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm này trong các KCN của tỉnh có hơn 174 nghìn lao động đang làm việc, tăng hơn 27 nghìn người so với thời điểm tháng 7 năm trước. Công nhân của Công ty...

Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Ban Chỉ đạo xây...

Bắc Giang: 22 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú
Thời gian qua, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa) phối hợp với chính quyền địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng và đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công...

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022
Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa. Nguồn: MPI Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải...