Nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, giảm phụ thuộc vào thời tiết
(BGĐT) – Những năm gần đây, BĐKH đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là nông nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc […]
(BGĐT) – Những năm gần đây, BĐKH đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là nông nghiệp. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang.
Xin ông cho biết, thời gian qua BĐKH diễn ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như thế nào?
BĐKH diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và cả nước. Riêng tại Bắc Giang, những năm gần đây, thời tiết rất khác thường, không theo quy luật. Đơn cử, đầu tháng 5 vừa qua vẫn còn những ngày lạnh như mùa đông, thậm chí có hoa sữa nở trong khi loài hoa này thông thường chỉ nở vào mùa thu, mùa đông. Có thời điểm trời rất nóng song cũng có lúc rất lạnh; biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn. Điều này đã gây ra hiện tượng sốc nhiệt ở cây trồng, vật nuôi.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang. |
Nhìn chung, mưa lớn, nắng nóng, rét hại… tại tỉnh diễn ra nhiều hơn. Số đợt nắng nóng kéo dài bất thường tăng, đôi khi nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C. Các năm 2016, 2017, 2018 liên tiếp là mùa đông ấm.
Những hiện tượng bất thường trên đã tác động đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh ra sao, thưa ông?
BĐKH cũng đã làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch bệnh, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất; tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp.
Thực tế, sản xuất nông nghiệp của tỉnh thời gian qua chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện thời tiết, khô hạn kéo dài, xảy ra lũ lụt, cháy rừng… Diễn biến phức tạp của điều kiện thời tiết đã tác động đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi.
Như đã nói ở trên, mùa đông ấm là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng vải thiều toàn tỉnh sụt giảm vào năm 2017, 2019. Đây là giống cây đặc thù, đòi hỏi nhiệt độ lạnh sâu mới có thể ra hoa, đậu quả, chất lượng tốt. Do số giờ lạnh không đủ nên nhiều vườn vải mất mùa, thất thu.
Ngoài ra, sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm trong không khí qua từng năm là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện nhiều sâu bệnh hại ở cây trồng. Trong đó, nhiều đối tượng dịch hại mới như: Sâu keo mùa thu, lùn sọc đen phương Nam.
Đặc biệt, hơn 3 tháng qua, dịch tả lợn châu Phi hoành hành khắp tỉnh khiến hàng trăm nghìn con lợn phải tiêu hủy. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài chưa có vắc-xin phòng bệnh, vi rút lây lan nhanh còn do điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh bùng phát nhanh. Thủy sản cũng có không ít diện tích thiệt hại do giá rét, dịch bệnh.
Hậu quả mà Bắc Giang phải gánh chịu từ sự tác động trên không hề nhỏ. Ông có thể thông tin cụ thể hơn?
Trong giai đoạn 2009 – 2018, BĐKH làm gia tăng hiện tượng thời tiết tiêu cực tại tỉnh như: Xuất hiện mưa đá, dông lốc, sạt lở đất. 5 năm gần đây, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn ha cây trồng bị thất thu do thiên tai; diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán khoảng 8.500 ha. Tổng thiệt hại sản xuất hàng trăm tỷ đồng.
Hằng năm, T.Ư, tỉnh phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Riêng năm 2017, ngân sách T.Ư hỗ trợ Bắc Giang 120 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do mưu lũ gây ra và mỗi năm phân bổ cho tỉnh gần 20 tỷ đồng để chống hạn, bảo đảm cho người dân phát triển sản xuất.
Hợp tác xã Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa đầu tư xây dựng nhà lưới trồng dưa nhằm hạn chế tác động bất lợi của thời tiết. |
Theo cảnh báo của các chuyên gia, BĐKH trong thời gian tới tiếp tục gia tăng và ảnh hưởng nặng nề hơn. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đã có giải pháp gì để ứng phó, thưa ông?
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn những khó khăn như: Hệ thống thủy lợi yếu, thiếu vốn để tu bổ, sửa chữa; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún phụ thuộc lớn vào thời tiết. Do vậy, theo tôi, sản xuất nông nghiệp cần từng bước thích ứng trong điều kiện của BĐKH.
Với vai trò, chức năng của mình, ngành nông nghiệp đã đề ra một số giải pháp chủ yếu để sản xuất nông nghiệp của tỉnh từng bước thích ứng với BĐKH. Trước hết rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, bố trí cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý phù hợp với điều kiện thời tiết của từng vùng; quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, gia súc, gia cầm tập trung; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiêm môi trường. Phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Nghiên cứu, thử nghiệm, nhân rộng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận tốt gồm: Lúa BC15, TBR225, BG6. Đưa các giống rau có nguồn gốc ôn đới có khả năng chịu nhiệt vào gieo trồng trồng nhằm rải vụ thu hoạch… Ứng dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV…
Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai; củng cố hệ thống đê, hồ đập, ưu tiên vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng.
Tăng cường quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của sinh vật ngoại lai xâm hại.
Kinh nghiệm ở một số quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã hạn chế được tác động của thời tiết bất lợi. Ví như, dù ngoài trời có tuyết rơi, lạnh đến âm độ nhưng nhờ xây dựng nhà kính, nhà lưới cây trồng vẫn được giữ ấm, sinh trưởng phát triển tốt.
Vì vậy, Sở đề nghị các huyện, TP tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giảm phụ thuộc vào thời tiết, bảo đảm năng suất, sản lượng cây trồng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Trịnh Lan (Báo Bắc Giang Điện Tử)
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 4/1 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong năm 2022 là 60,98 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, theo đó...
Lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng hơn 27 nghìn người
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm này trong các KCN của tỉnh có hơn 174 nghìn lao động đang làm việc, tăng hơn 27 nghìn người so với thời điểm tháng 7 năm trước. Công nhân của Công ty...
Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Ban Chỉ đạo xây...
Bắc Giang: 22 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú
Thời gian qua, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa) phối hợp với chính quyền địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng và đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công...
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022
Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa. Nguồn: MPI Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải...