Hoạt động kinh tế mùa dịch Covid-19 ở Bắc Giang: Giao dịch qua mạng tăng mạnh
BGĐT) – Tâm lý ngại đến khu vực đông người để phòng ngừa dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển mạnh. Đây cùng là giải pháp đang được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang khuyến khích. Đơn hàng online tăng mạnh Nhiều năm nay, chị Nguyễn […]
BGĐT) – Tâm lý ngại đến khu vực đông người để phòng ngừa dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh qua mạng phát triển mạnh. Đây cùng là giải pháp đang được cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang khuyến khích.
Đơn hàng online tăng mạnh
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Vân Anh, đường Nguyễn Đình Tuân (TP Bắc Giang) vốn có thói quen đi siêu thị, chợ mua thực phẩm tươi sống vào buổi chiều. Hai tuần nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị đã chuyển sang đặt mua hàng theo phương thức nhận và chuyển tiền qua người vận chuyển (shipper). “Tôi hạn chế đến nơi đông người để phòng bệnh cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng nên đặt mua online mọi mặt hàng. Mỗi lần giao dịch tôi thường chọn lượng đồ đủ để sử dụng cho một tuần”, chị Vân Anh chia sẻ.
Lượng hàng hóa giao dịch qua Công ty chuyển phát nhanh Nhất Tín (TP Bắc Giang) hơn một tháng qua tăng gấp đôi so với trước. |
Tương tự, không chỉ tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, gần đây lượng khách đến quán ăn nhanh, quán cơm văn phòng, nhà hàng, cửa hàng thời trang… cũng giảm mạnh, trong khi đơn hàng đặt mua online lại tăng cao. Đại diện chủ quán cơm sườn Đào Duy Từ, đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) cho biết, đơn vị kinh doanh ẩm thực nhiều năm, chủ yếu là cơm và nước uống. Thông thường khách vẫn tới tận nơi để lựa chọn, sử dụng dịch vụ. Từ khi có dịch Covid-19, mặc dù cửa hàng đã trang bị đầy đủ nước rửa tay khô, quy định nhân viên đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện nhưng từ đầu tháng trở lại đây lượng khách đến quán giảm 60%. Mọi người chuyển sang gọi điện đặt cơm. Trung bình mỗi ngày, quán cung cấp khoảng 100 suất ăn theo phương thức vận chuyển đến tận nơi người mua yêu cầu.
“Từ tháng 2 đến nay, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 20%; trong đó tập trung ở một số nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu”. Ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) |
Dịp này, các đơn vị chuyển phát trên địa bàn cũng tăng cường nhân viên phục vụ nhu cầu mua sắm online tăng đột biến của người dân. Chị Vũ Thị Phương Thùy, quản lý Công ty TNHH một thành viên Chuyển phát nhanh Thuận Phong, Chi nhánh Thái Nguyên tại Bắc Giang, đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) thông tin: “Từ khi có dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm qua mạng của người dân tăng mạnh. Tính riêng trong tháng hai, đơn hàng giao dịch qua công ty tăng gấp đôi so với trước đó. Một tuần trở lại đây, công ty vận chuyển khoảng 6-7 nghìn đơn hàng, cao gấp 3 lần so với mọi khi. Công ty vừa tăng cường thêm nhân viên, chuẩn bị đồ bảo hộ, nhất là khẩu trang 4 lớp cho công nhân làm việc thường xuyên”. Các đơn vị khác như: Bưu điện tỉnh, Viettel Bắc Giang, Giaohangnhanh, Giaohangtietkiem, Shopee, chuyển phát nhanh Nhất Tín… cũng có lượng hàng tăng cao hơn so với những tháng trước đó.
Khuyến khích giao dịch qua mạng
Theo ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương Bắc Giang), kinh doanh thương mại điện tử là hoạt động buôn bán trực tuyến, chủ yếu diễn ra trên mạng Internet. Hình thức này phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19 bởi cả người mua và bán đều sử dụng thiết bị điện tử có kết nối Internet để thực hiện giao dịch. Sau khi thỏa thuận mua bán, hàng hóa được shipper mang đến tận nơi.
Qua đánh giá, từ tháng 2 đến nay, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 20%; trong đó tập trung ở một số nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu. Để chủ động ứng phó với dịch Covid-19, Sở Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tham gia bình ổn thị trường; đặc biệt các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động phân phối, bán hàng qua kênh thương mại điện tử. Cùng với đó, các cá nhân, đơn vị chủ động áp dụng nhiều chương trình khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến nhằm hạn chế đến những nơi tập trung đông người.
Thời gian tới, Sở cũng khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát triển kinh doanh thương mại điện tử. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị liên quan quan tâm hỗ trợ cài đặt ứng dụng các phần mềm giao dịch qua mạng Internet cho các doanh nghiệp, cá nhân. Ngoài ra, người dân chú ý lựa chọn đơn vị, nhà phân phối uy tín để mua hàng.
Theo: Báo Bắc Giang
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Việt Nam trở thành đối tác thặng dư thương mại lớn nhất của Hàn Quốc
Số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 4/1 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong năm 2022 là 60,98 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 26,72 tỷ USD, theo đó...
Lao động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang tăng hơn 27 nghìn người
Theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang, tính đến thời điểm này trong các KCN của tỉnh có hơn 174 nghìn lao động đang làm việc, tăng hơn 27 nghìn người so với thời điểm tháng 7 năm trước. Công nhân của Công ty...
Tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi số trong giai đoạn mới
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI (MPI) – Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, Ban Chỉ đạo xây...
Bắc Giang: 22 doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú
Thời gian qua, chủ đầu tư Khu công nghiệp Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa) phối hợp với chính quyền địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng và đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu công...
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022
Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Ảnh minh họa. Nguồn: MPI Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải...